0908.326.779 - 0906.362.707
 

Chống hàng giả, gian lận thương mại: Cần giải pháp căn cơ

17/04/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Chống hàng giả, gian lận thương mại: Cần giải pháp căn cơ
Tình trạng bán hàng nhái, giả, gian lận thương mại, cung cấp hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng… vẫn còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng. Ngành chức năng, chính quyền các địa phương… trên địa bàn tỉnh cần mạnh tay triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này.
Vi phạm nhiều
 
Theo Sở Công thương, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng, sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời giải quyết kịp thời khiếu nại của người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm động lực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
 
Bên cạnh đó, có không ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhái, hàng kém chất lượng, xâm hại nghiêm trọng đến lợi ích người tiêu dùng thông qua các hành vi như cung cấp thông tin sản phẩm không chính xác, không bao bì, nhãn mác, quá hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm đo lường, gian lận thương mại...
 
Từ năm 2017 đến nay, ngành Công thương phát hiện và xử lý 176 vụ vi phạm về hàng cấm, lậu; 19 vụ vi phạm hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ; 348 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, hiện hàng giả được sản xuất rất tinh vi, không thua kém hàng thật, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, thậm chí có cả tem chống giả. Riêng trong năm 2017 và quý I/2018, chi cục đã phát hiện và xử lý 73 vụ vi phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Đơn vị đã tịch thu và tiêu hủy hàng hóa vi phạm như sữa ENSURE, bánh kẹo, mỹ phẩm, bột ngọt, mũ bảo hiểm… Trong đó có nhiều vụ vi phạm về vận chuyển, phân phối hàng hóa không có giấy kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn phụ, không chứng minh nguồn gốc với quy mô lớn xảy ra ở huyện Phú Hòa, TX Sông Cầu…
 
Điển hình như vụ bà Lê Thị Sang ở huyện Phú Hòa kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không công bố sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Lực lượng quản lý thị trường đã tịch thu 45 loại mỹ phẩm với 4.096 lọ, vỉ mỹ phẩm không có nhãn mác.
 
Thêm vào đó, đơn vị còn tịch thu 5.856 lon sữa ENSURE do nước ngoài sản xuất không có giấy chứng nhận kiểm dịch an toàn thực phẩm, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, được các đối tượng vận chuyển để tiêu thụ…
 
Vì cạnh tranh, các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh không ngại sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Bà Nguyễn Thị Lạch, Phó Chủ nhiệm CLB Phụ nữ tiêu dùng thông minh TP Tuy Hòa, chia sẻ: Ở chợ Tuy Hòa, vì cạnh tranh nên không ít hộ kinh doanh tìm đủ cách để nâng giá trị hàng hóa của mình mà không quan tâm đến người tiêu dùng. Người bán cũng không biết hàng mình đang bán có chất lượng hay không. Hiện các thành viên của CLB rất trăn trở, không biết làm thế nào để hỗ trợ người dân.
 
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, các nhà sản xuất, phân phối, bán lẻ, thương nhân… luôn ganh đua giành lợi thế trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ nhằm thu được nhiều lợi ích nhất. Do đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ ngày càng diễn biến phức tạp. Để hạn chế tình trạng hàng nhái, giả, kém chất lượng…, bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ của người dân, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, các cấp, ngành cần vào cuộc mạnh mẽ và có những giải pháp cụ thể.
 
Cần giải pháp căn cơ
 
Hàng hóa, dịch vụ ngày càng nhiều nhưng chất lượng không tương xứng. Để bảo vệ mình, người tiêu dùng chỉ biết thận trọng trong sử dụng, lựa chọn; đồng thời mong muốn các ngành chức năng đẩy mạnh công tác kiểm soát ngay từ khâu sản xuất, cung cấp.
 
Bà Phạm Thị Tương Lai, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Doanh nghiệp, nhà sản xuất đừng để người tiêu dùng “tẩy chay” mà phải làm sao để họ ngày càng có niềm tin với doanh nghiệp. Các nhà sản xuất, kinh doanh, HTX, nông dân cần phối hợp với nhau, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ; cung ứng cho thị trường những sản phẩm an toàn. Doanh nghiệp phải chấp hành đúng quy định của pháp luật, không vi phạm đạo đức kinh doanh.
 
Hội sẽ cùng với các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức nhiều hơn các cuộc hội thảo chuyên đề về kinh doanh, tiêu dùng để doanh nghiệp, người dân tham gia, qua đó từng bước nâng cao ý thức của người cung cấp, hưởng thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
 
Còn theo đại diện Công ty Nước giải khát quốc tế Việt Hà, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hạn chế sự gian dối trong kinh doanh, ngành chức năng cần có biện pháp xử phạt nặng những doanh nghiệp, cơ sở vi phạm chứ không phải chỉ mang tính răn đe.
 
Có như vậy, người tiêu dùng mới tiếp cận được với sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó cần có đơn vị chuyên tư vấn, hỗ trợ pháp lý, giúp doanh nghiệp giải quyết vướng mắc, khó khăn trong kinh doanh cũng như tố cáo, lên án các cơ sở làm ăn không lành mạnh…
 
Từ năm 2017, Sở Công thương được UBND tỉnh giao làm đơn vị cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, tiếp nhận những đề nghị, vướng mắc từ phía doanh nghiệp, người dân; qua đó giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý và chuyển những vấn đề khác cho UBND tỉnh hoặc các đơn vị liên quan có thẩm quyền giải quyết. Hiện nay, vấn đề hậu kiểm được các ngành đẩy mạnh triển khai, do đó các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến khâu chọn nguyên liệu, sản xuất, bao bì… Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp, người dân báo cáo kịp thời nếu phát hiện vi phạm.
 
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương 
VÕ PHÊ