0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nan giải ngăn chặn nạn sách lậu

02/05/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Nan giải ngăn chặn nạn sách lậu
Nói đến nạn sách lậu, ai cũng biết vì đây là câu chuyện “xưa như trái đất”. Xong dường như câu chuyện xưa cũ này càng ngày càng dài, nội dung, tình tiết càng phức tạp và làm “phiền lòng” không chỉ cộng đồng yêu sách mà cả các cơ quan chức năng
Những năm gần đây, dù cơ quan chức năng đưa ra nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn xong sách lậu vẫn đang là vấn nạn nhức nhối. 

Sách in, sách điện tử đều bị xâm hại

Ghi nhận từ nhiều đơn vị xuất bản: Hiện nay, nạn sách lậu diễn ra chủ yếu đối với  sách in. Sách giả, sách lậu thường là những xuất bản phẩm văn học nổi tiếng trong nước, quốc tế, tác giả đang được bạn đọc quan tâm, sách kinh điển, sách tham khảo... Những cơ sở in lậu sách thường tìm đến ấn phẩm có bản quyền, sau đó tự sao chụp rồi in lại, nên nội dung và cách trình bày giống hệt sách thật. Tuy nhiên, sách lậu chỉ giống về bề ngoài, nếu tinh mắt sẽ thấy chữ của sách lậu sẽ bị nhòe, đứt nét, màu sắc không đồng đều do bị sao chụp; giấy in sách lậu chất lượng thấp, không sử dụng công nghệ đặc biệt... Thậm chí, do làm cẩu thả, sách lậu còn mắc lỗi sai nghiêm trọng về kiến thức, ảnh hưởng đến thẩm mĩ người đọc, không có tính giáo dục hoặc không phù hợp với thuần phong mĩ tục người Việt.

Nhà xuất bản Giáo dục bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nạn in lậu sách. Cao điểm của tình trạng in lậu sách mảng giáo dục thường rơi vào dịp  cả nước chuẩn bị năm học mới. Đặc biệt tháng 8/2017, Ban Chống in lậu của Nhà xuất bản Giáo dục tại các miền đã phối hợp với các ban, ngành chức năng có thẩm quyền phát hiện nhiều vụ việc in lậu. Cụ thể, tại khu vực phía Bắc đã phát hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải Anh (ngõ 459 Bạch Mai, Hà Nội) in lậu 30.000 bìa sách giáo khoa tiếng Anh; Xưởng in bao bì Thiên Phú (tại Định Công, Hà Nội) và Công ty In bao bì Hải Chiến (tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) gia công lậu một số lượng khá lớn bìa sách giáo khoa tiếng Anh. 
 
Khu vực miền Trung cũng phát hiện các loại sách giả như: Hướng dẫn học tin học 3, 4, 5 tại Quảng Ngãi; sách tiếng Anh tại Bình Định; một số sách tiếng Anh lớp 7 và lớp 8 (sách học sinh và sách bài tập) tại Đà Nẵng. Ở khu vực miền Nam cũng phát hiện cơ sở in lậu sách giáo dục tại Đắk Lắk với số lượng trên 3.000 bản; tại Khánh Hòa với số lượng trên 1.000 bản, chủ yếu là sách tiếng Anh, vở bài tập tiếng Anh và các môn học khác...

Trong khi sách giấy phải đối mặt với tình trạng bị in lậu thì sách điện tử (ebook) lại gặp nhiều khó khăn vì bị vi phạm bản quyền khá nghiêm trọng. Thực tế, sách điện tử thường được mua, bán trên website của các nhà xuất bản hoặc nhiều cửa hàng ủy quyền; phải “đối đầu” với việc người dân thiếu ý thức khi chia sẻ sách điện tử lên các trang mạng xã hội, diễn đàn. Sách điện tử cũng được nhiều cá nhân, tổ chức tự làm dựa trên sách bản quyền rồi đăng tải, chia sẻ rộng khắp trên mạng xã hội khiến thị phần bạn đọc sách điện tử của các nhà xuất bản bị giảm sút nghiêm trọng. Cũng do việc sách điện tử bị xâm phạm bản quyền, làm lậu tràn lan nên có thời điểm Nhà xuất bản Trẻ đã hạ giá hàng loạt ấn phẩm được bạn đọc quan tâm, giá chỉ còn 5.000 - 10.000 đồng/1 bản, chấp nhận bù lỗ vì không muốn lỗ nặng hơn.

Năm 2017, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương đã tiến hành 14 lượt kiểm tra cơ sở in, cơ sở phát hành; phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở với tổng số tiền là 383 triệu đồng; xử lý, tiêu hủy 14.647 xuất bản phẩm các loại, 162.400 tờ bìa sách, ruột sách và 128 kẽm in ruột sách. Các đội liên ngành và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố cũng tổ chức thanh, kiểm tra 2.234 lượt; phát hiện và xử phạt hành chính 161 cơ sở với tổng số tiền phạt 1,46 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy 816 cuốn lịch blốc đại 2018 không dán tem, 44.100 xuất bản phẩm các loại, hơn 283 nghìn tờ in của xuất bản phẩm đang hoàn thiện...

Bất cập trong xử lý

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo: Hoạt động in lậu hiện nay vẫn diễn ra với tính chất phức tạp. Đối tượng in lậu dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với các cơ quan chức năng. Trước thực trạng đó, cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, in, phát hành; các cơ quan chức năng chuyên ngành như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan… đã có nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn hoạt động này in lậu. Nhiều nhà xuất bản cũng có giải pháp tự bảo vệ sản phẩm như dùng tem chống giả, tổ chức, quản lý tốt hơn việc xuất bản, phát hành; nhiều cơ sở phát hành, cơ sở in thực hiện quản lý chặt chẽ nội bộ, nói không với việc phát hành sách lậu, sách không rõ nguồn gốc, tổ chức quản lý chặt chẽ các khâu nhận đặt in…

Cùng với việc thanh kiểm tra, xử phạt vi phạm, các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu; phổ biến, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ cho một số tỉnh; làm việc, trao đổi nghiệp vụ với một số địa phương; cung cấp thông tin, hỗ trợ nghiệp vụ, hướng dẫn xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản, in và phát hành.
 

 

Năm 2017, Cục Xuất bản, In và Phát hành tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu, triển khai trên Cổng thông tin điện tử của Cục (www.ppdvn.gov.vn) chuyên mục tra cứu, thống kê, cập nhật dữ liệu hỗ trợ các đội liên ngành, Sở Thông tin và Truyền thông trong việc xác minh, đối chiếu khi thanh tra, kiểm tra và thực hiện công tác quản lý nhà nước trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Việc làm này cũng góp phần hỗ trợ kịp thời cho công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực xuất bản, in, phát hành của các đội liên ngành và Thanh tra Sở địa phương. Hiện Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản” của Chính phủ đang tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Tuy nhiên, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 ngành xuất bản mới diễn ra đầu tháng 4/2018 tại Đắk Lắk, các đại biểu tham dự đã thừa nhận rằng vẫn còn khá nhiều bất cập trong công tác phòng chống in lậu. Cụ thể, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý ở một số địa phương vẫn còn chậm. Việc phối hợp giữa các đội liên ngành địa phương hoặc giữa đội liên ngành địa phương với các ngành liên quan của tỉnh vẫn có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời.

Tại nhiều địa phương việc phát hiện, xử lý in lậu, in giả còn hạn chế so với thực trạng in lậu tiếp tục có nhiều dấu hiệu, diễn biến phức tạp nhất là tại các địa bàn “nóng” về in lậu. Vẫn còn diễn ra sự chưa cương quyết trong xử phạt các hành vi vi phạm về hoạt động in, chủ yếu mới chỉ ở mức độ nhắc nhở, chấn chỉnh. Việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các lực lượng chức năng tại một số địa phương còn trùng lắp, gây khó khăn cho các đơn vị, cơ sở in trên địa bàn.
 
 Một số địa phương vẫn còn gặp khó khăn khi kiểm tra, thanh tra các cơ sở in hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, hoặc địa điểm thuộc đơn vị công an, quân đội quản lý. Đặc biệt, một số đội liên ngành được thành lập nhưng hoạt động khó khăn do chưa được địa phương cấp kinh phí hoạt động hoặc phải sử dụng kinh phí của Sở Thông tin và Truyền thông. Các thành viên đội liên ngành tham gia công tác theo chế độ kiêm nhiệm nên việc huy động quân số để tiến hành thanh tra, kiểm tra có lúc có nơi gặp khó khăn, thiếu nhân sự.
Mỹ Bình