Trong bối cảnh Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thì tại Hội thảo chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn ra ngày 6/6 tại Hà Nội, các ý kiến lại đưa ra một bức tranh khá tối màu.
Thật, giả khó lường
Đề cập về thực trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, ông Nguyễn Phương Minh, Phó Trưởng phòng Thực thi giải quyết khiếu nại thuộc Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT diễn ra ngày càng phức tạp, trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến”. Phần lớn hàng giả, hàng xâm phạm SHTT được sản xuất ở nước ngoài và đưa vào Việt Nam bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch, trong đó chủ yếu là tiểu ngạch. Đặc biệt, theo ông Minh, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm SHTT ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp.
Lo ngại về tình trạng này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ: “Người tiêu dùng trở nên lúng túng trước một thị trường hàng hóaphong phú, đa dạng, nhưng thật, giả khó lường”. Về hàng tiêu dùng, hàng giả, hàng nhái có đủ loại, từ giá trị thấp như bao diêm, bật lửa… cho đến hàng giá trị cao hơn như đồng hồ, điện thoại, trang sức…
Trong lĩnh vực xây dựng, ông Hùng cho biết, nạn hàng giả cũng rất phổ biến. “Không ít dự án, gói thầu bị đưa hàng giả vào nhưng giá trị lại được tính như hàng thật, gây thất thoát ngân sách, chưa kể kèm theo đó là nguy cơ về an toàn công trình và tính mạng của con người”, ông Hùng nói.
Cũng theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ngoài kỹ thuật sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm SHTT ngày càng tinh vi, phương thức kinh doanh thời thương mại điện tử cũng góp phần khiến vấn nạn này có cơ hội “lên ngôi” và khó kiểm soát.
Vì đâu nên nỗi?
Cần thay đổi tư duy của cơ quan quản lý, cộng đồng DN, người dân về
chống hàng giả, hàng nhái, chống xâm phạm
thương hiệu. Cùng với đó, chế tài xử lý phải thật mạnh. Về phía DN, cần gia tăng các điểm tiếp xúc thương hiệu; rà soát, gia tăng kiểm soát hệ thống phân phối; sử dụng truyền thông trong xử lý vi phạm.
Đề cập về nguyên nhân của tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT, ông Nguyễn Phương Minh cho rằng, có rất nhiều, điển hình là sự chênh lệch về giá hàng hóa sản xuất trong nước và từ nước ngoài khiến các đối tượng bất chấp đưa vào tiêu thụ. Tiếp đó là các DN trong nước chưa nhận thức đầy đủ về các quy định trong đăng ký sở hữu
nhãn hiệu, quản lý
mã vạch, mẫu mã, bao bì cũng như các thủ tục, quy trình dẫn đến một bộ phận người sản xuất kinh doanh lợi dụng sơ hở để sản xuất hàng giả nhằm thu lợi. Về quản lý nhà nước, các chế tài xử lý hành chính và xử lý hình sự chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm…
Ông Lê Quốc Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị thương hiệu thuộc Đại học Thương mại chỉ ra một nguyên nhân đáng lưu ý là vẫn còn tới trên 90% DN chưa nhận diện được quyền SHTT và có sự quan tâm thích đáng cho việc xác lập quyền này. Dẫn số liệu một cuộc khảo sát thực hiện với 350 DN nhỏ và vừa năm 2016, ông Thịnh nhấn mạnh, có 208/350 DN quan tâm đến bảo vệ thương hiệu, nhưng chỉ có 1 DN đăng ký kiểu dáng công nghiệp; 18/208 DN đã và đang xác lập quyền SHTT; 17/18 DN chỉ đăng ký nhãn hiệu… Thêm vào đó, khi phát hiện vi phạm thì tiếc rằng có tới 98,37% số vụ vi phạm xử lý bằng hành chính.
Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chỉ ra một nghịch lý: Việt Nam tham gia nhiều công ước về SHTT, thậm chí nhiều tới mức không nhớ được, nhưng chúng ta lại xếp ở vị trí thấp nhất trong bảo vệ quyền SHTT liên quan đến câu chuyện hàng giả, hàng nhái. “Hiện nay, chúng ta “chơi” hai hiệp định thương mại tự do (CPTPP và EVFTA) đòi hỏi quyền SHTT rất cao. Nếu không “chơi” thật, vấn đề niềm tin vào DN, con người và uy tín của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”, ông Thành nhấn mạnh.
Trước thực trạng này, nhiều giải pháp để chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền SHTT đã được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo. Trong đó, giải pháp bao trùm là cần thay đổi tư duy của cơ quan quản lý, cộng đồng DN, người dân về vấn đề này, nếu không Việt Nam sẽ không thể chống được hàng giả, hàng nhái, chống xâm phạm thương hiệu. Cùng với đó, chế tài xử lý phải thật mạnh. Về phía DN, cần gia tăng các điểm tiếp xúc thương hiệu; rà soát, gia tăng kiểm soát hệ thống phân phối; sử dụng truyền thông trong xử lý vi phạm. Ở góc độ một tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng, ông Hùng cho rằng, người tiêu dùng cần được bảo đảm 4 quyền chính, đó là: Quyền được an toàn, quyền được cung cấp thông tin, quyền được lựa chọn và quyền được bồi thường