0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nâng cao sức cạnh tranh từ thương mại điện tử

17/05/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Nâng cao sức cạnh tranh từ thương mại điện tử
Thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội ngày càng được các cá nhân, doanh nghiệp quan tâm ứng dụng. Nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, đồng thời khắc phục các hạn chế, TP Hà Nội đã đưa ra các giải pháp phát triển thương mại điện tử, góp phần phát triển kinh tế và phù hợp với tiến trình hội nhập.
Còn nhiều thách thức

Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố, trong 5 năm qua, Hà Nội liên tục là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số thương mại điện tử. Đặc biệt, thị trường thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội nói riêng đã có sự chuyển mình rõ rệt, với doanh thu cả năm 2017 đạt 36.000 tỷ đồng, chiếm 7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (tăng 2% so với năm 2016). Lũy kế đến tháng 5-2018, có tổng số 7.726 website/ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân đã thông báo/đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, Sở đã tích cực triển khai công tác quản lý và phát triển thương mại điện tử trong các lĩnh vực: Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; ứng dụng thuế điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; ứng dụng mã hình QR in trên tem chống giả, tem xác thực và các loại tem tương tự nhằm chống gian lận thương mại. Sở cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thực hiện giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử; các đối tượng kinh doanh mặt hàng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, vi phạm chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm như rượu, thuốc lá ngoại, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… trên môi trường mạng, kịp thời xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hải nhận định, hoạt động thương mại điện tử luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức với cơ quan quản lý. Các chủ thể hoạt động thương mại điện tử dễ dàng “xóa dấu vết”, cản trở việc thu thập chứng cứ khi vi phạm... Bên cạnh khó khăn trong kiểm soát hàng giả, hàng nhái, thì tình trạng gian lận thuế là một trong những vấn đề nhức nhối của các cơ quan chức năng. Chưa kể, trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển nhanh, nhiều dịch vụ mua sắm, bán lẻ, du lịch trực tuyến, quảng cáo trực tuyến còn tạo cơ hội cho dòng tiền “chảy” ra nước ngoài…

Nhiều giải pháp hỗ trợ

 

 

Mua sắm qua mạng ngày càng trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dự kiến đến năm 2025, giá trị hàng hóa lưu chuyển qua thương mại điện tử lên đến 7,5 tỷ USD, song cũng chỉ chiếm 5% tổng mức lưu chuyển hàng hóa. Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc thực hiện thao tác thương mại trên môi trường điện tử mới chỉ ở mức độ rất thấp, mang tính bán sơ khai, chưa chuyên nghiệp, tập quán thương mại vẫn là dùng tiền mặt, mua sắm nhỏ lẻ. Xét về mức độ uy tín, các nhà bán hàng trực tuyến trong nước vẫn đuối hơn so với nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu. 

Để khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử Hà Nội phát triển, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Kế hoạch 84/KH-UBND ngày 9-4-2018, về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn năm 2018. Trong đó, chú trọng khai thác các công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo AI, thực tế ảo AR, internet vạn vật IoT để sáng tạo các mô hình kinh doanh văn minh, hiện đại, góp phần phát triển kinh tế của Thủ đô, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách, pháp luật về quản lý và phát triển thương mại điện tử của trung ương và thành phố đến các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn; giới thiệu, phổ biến những mô hình thương mại điện tử mới, tiên tiến. Khuyến khích thiết lập các website/ứng dụng thương mại điện tử chuyên doanh thực phẩm an toàn trên môi trường mạng. Ứng dụng mã hình QR trong truy xuất trực tuyến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng mã hình QR in trên tem chống giả, tem xác thực hoặc các loại tem tương tự nhằm chống gian lận thương mại; ứng dụng mã hình QR trong truy xuất thông tin, thanh toán, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử… 

Tổ chức vận hành mạng lưới “Máy bán hàng tự động” tại các điểm công cộng; xây dựng và nâng cao năng lực mạng lưới dịch vụ vận chuyển, hạ tầng kho bãi, giao nhận hàng hóa nội thành và với các địa phương khác trong cả nước. Phát triển dịch vụ trực tuyến trong các lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, truyền thông… đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt. Sở Công Thương cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, tập huấn và quản lý thuế điện tử; tăng cường đấu tranh, phòng ngừa, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử.
 
Năm 2018, TP Hà Nội phấn đấu doanh thu bán lẻ trực tuyến chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn; số người dân Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến đạt 66% số người sử dụng internet trên địa bàn (tăng 3% so với năm 2017); 85% cơ sở phân phối, bán lẻ... chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ...
 
 
 
 
Tạo nguồn nhân lực, mở khung pháp lý
(HNM) - Thương mại điện tử từ lâu đã không còn xa lạ với người dân, đặc biệt là ở đô thị, bởi giúp tiết kiệm thời gian, giao dịch thuận tiện và chi phí tối ưu. Trong khi đó, cách mua bán truyền thống đòi hỏi phải giới thiệu sản phẩm tận nơi, có thể mất hàng tháng mới đến được thị trường mong muốn, điều này dẫn đến chi phí sản phẩm tăng cao và có thể ảnh hưởng tới chất lượng
Thanh Hiền