Công nghệ blockchain với ưu điểm nổi bật về tính minh bạch trong quản trị thông tin đang được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu ích để ngăn chặn các vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ - đang diễn ra khá phổ biến trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng
Trong một bài viết đăng tải trên trang Medium, doanh nhân Francis Oustry - một chuyên gia về blockchain, công nghệ tài chính - viết: “Một trong những ứng dụng rõ ràng nhất của công nghệ blockchain là đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, phân loại và lưu trữ tác phẩm gốc”.
Ở châu Âu và hầu hết các nước mà quyền bản quyền không được công nhận một cách tự động, quyền sở hữu đối với tác phẩm/sáng chế thuộc về người đầu tiên nộp đơn đăng ký bảo hộ (nguyên tắc first to file). Điều này khiến cho ngày nộp đơn trở thành một yếu tố quan trọng. Trước ngày đó, tác giả thực sự của tác phẩm/sáng chế không hề được bảo vệ và họ có thể bị “nẫng tay trên”.
Không giống như
thương hiệu - thứ ta có thể kiểm tra trong các hệ thống đăng ký khác nhau trên thế giới, với quyền tác quyền, tác giả không có công cụ tương ứng để có thể tra cứu hết. Chính vì những lỗ hổng này mà việc chứng minh quyền của tác giả trở nên khó khăn. Các tác giả cũng khó biết được ai đang sử dụng tác phẩm của mình và bên thứ ba cũng gặp rắc rối khi muốn tìm gặp người chủ thực sự để xin giấy phép.
Đây là lý do khiến tác giả thực sự không thể ngăn chặn những vụ việc vi phạm bản quyền hay kiếm được tiền từ tác phẩm của mình. Điểm yếu này chính là "đất dụng võ" cho công nghệ blockchain.
“Khi người chủ thực sự của tài sản trí tuệ đăng ký tác phẩm/sản phẩm của mình lên blockchain, họ sẽ có được bằng chứng chính xác về quyền của mình mà không lo bị giả mạo. Bởi một khi tác phẩm được đăng ký trên blockchain, thông tin này sẽ không bao giờ bị mất hay thay đổi. Bên thứ ba có thể dùng công nghệ này để theo dõi chuỗi sở hữu hoàn chỉnh của tác phẩm, kể cả việc ai được cấp giấy phép sử dụng và ai được chuyển giao quyền sở hữu” - Banu Naraghi - Phó Chủ tịch Hội Luật gia công nghệ và sở hữu trí tuệ thuộc Đại học Luật Gould Nam California, Mỹ - giải thích thêm.
Tạo giá trị gia tăng cho nghệ sỹ, vận động viên
Hiện nay, rất nhiều nghệ sỹ và vận động viên đã biết cách sử dụng các kênh phân phối trên nền tảng Internet như Youtube, website ca nhạc, thể thao... để gia tăng thu nhập. Xu hướng này sẽ càng bùng nổ với sự trợ lực của công nghệ blockchain và đồng tiền ảo. Tiền ảo cho phép người dùng Internet tạo ra giá trị và chứng thực thông tin ảo, từ đó giúp nghệ sỹ có thêm nguồn thu và hình thức phát hành sản phẩm mới. Công nghệ blockchain cũng tạo điều kiện phát triển hệ thống phân phối ngang hàng, cho phép nghệ sỹ bán trực tiếp bài hát cũng như giấy ủy quyền cho người dùng
“Một nghệ sỹ có thể tung bài hát của mình trên blockchain và khi người dùng mua giấy phép để tải, phát, remix bài hát thông qua các hợp đồng thông minh (smart contract), các hợp đồng này có khả năng tự đưa ra các điều khoản và thực thi thỏa thuận bằng cách sử dụng công nghệ blockchain. Toàn bộ quá trình của smart contract được thực hiện tự động và không có sự can thiệp từ bên ngoài. Các điều khoản của smart contract tương đương với một hợp đồng pháp lý và được ghi lại dưới ngôn ngữ của máy tính. Mục tiêu chính của smart contract là cho phép hai bên không xác định danh tính giao dịch hay làm việc với nhau trên Internet mà không cần thông qua trung gian. Mỗi giao dịch có thể được tự động chia nhỏ trên blockchain và chia cho những người chủ của tác phẩm dựa trên phần trăm công việc mà họ thực hiện” - luật sư Aaron B. Swerdlow thuộc Công ty luật Gerard Fox cho biết.
Hiện nhiều vận động viên nổi tiếng đã sử dụng tài sản trí tuệ là hình ảnh, sự nổi tiếng của mình để quảng bá cho ICO - chiến dịch huy động tài chính cho một sản phẩm/dịch vụ/dự án đầu tư bằng tiền ảo và các ngành công nghiệp liên quan tới blockchain. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc làm này có thể khiến giá trị đồng tiền ảo bị thổi phồng và tăng rủi ro cho nhà đầu tư