Loay hoay thương hiệu gạo
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tám tháng qua đạt 23,66 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, mặt hàng gạo trong tháng 8 có khối lượng xuất khẩu ước đạt 504 nghìn tấn với giá trị đạt 220 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt gần 4 triệu tấn, và 1,75 tỷ USD, tăng 19,8% về khối lượng và 17,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Mặc dù hàng chục năm nay, Việt Nam là một trong những nước đứng top đầu thế giới về gạo xuất khẩu, nhưng biểu trưng và thương hiệu của gạo Việt đến nay vẫn chưa có.
Nhằm khẳng định giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, cũng như nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo sản xuất trong nước, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, ngày 21-5-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 706/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhưng gần hai năm sau, phải đến khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 1085/VPCP-KHTH ngày 9-2-2017 về việc giao Bộ NN và PTNT chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng thương hiệu gạo Việt Nam, thì ngày 23-2-2017, Bộ NN và PTNT mới ban hành Quyết định 463/QĐ-BNN-CB thành lập Ban tổ chức cuộc thi, và gần hai tháng sau mới tổ chức lễ phát động “Cuộc thi sáng tác biểu trưng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam”, để sử dụng chính thức làm biểu trưng quốc gia, đồng thời sử dụng để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam. Đến nay, sau gần năm tháng phát động, Ban tổ chức vẫn chưa lựa chọn được lô-gô của cá nhân, hay tổ chức nào ở trong nước và ngoài nước thể hiện trọn vẹn được hình ảnh truyền thống, danh tiếng và chất lượng gạo Việt Nam để có thể công bố trong tháng 9 này!
Không chỉ có gạo, sản phẩm nông sản của nước ta đã được biết đến rộng rãi ở thị trường trong nước và ngoài nước, nhiều sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác. Nhiều sản phẩm cung cấp ra thị trường thế giới phải thông qua các thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn trong cạnh tranh của các loại nông sản Việt, nhất là trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, đòi hỏi việc tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm đồng nghĩa với việc phải tạo ra sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, với chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Cần có giải pháp đồng bộ
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ngành nông nghiệp đang khẩn trương hoàn thiện “Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chủ lực Việt Nam đến năm 2020” đối với một số sản phẩm như chè, cà-phê, xoài, thanh long, cá tra,… gắn với chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, để triển khai việc xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản chủ lực các ngành, địa phương cần thực hiện một số giải pháp cơ bản. Ưu tiên đầu tư các mặt hàng nông sản có thế mạnh của địa phương và phục vụ xuất khẩu, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng các nguồn hỗ trợ nhằm phát huy tiềm lực về đất đai, tài chính, khoa học - kỹ thuật để phát triển thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy sự liên kết giữa “bốn nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân) để tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản.
Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện các quy định pháp lý về thương hiệu, như, các thuật ngữ về thương hiệu, nhãn hiệu sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật cần được thống nhất, chung một cách hiểu; xây dựng chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, trong đó bao gồm đầy đủ các hướng dẫn thực hiện về lộ trình, các công cụ tài chính, kỹ thuật, cơ chế phối hợp, hệ thống chia sẻ, xác định thị trường, ngành hàng tập trung xây dựng thương hiệu… một cách khả thi, áp dụng thực tiễn để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng để các sản phẩm đã và đang xây dựng thương hiệu bảo đảm có chất lượng tốt, ổn định, dần khẳng định “danh tiếng” trên thị trường. Mặt khác, cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm quảng bá những sản phẩm có thương hiệu. Tổ chức tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham gia vào các hội, hiệp hội, làng nghề để thống nhất quan điểm trong việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, hạn chế sản xuất tự phát, làm ảnh hưởng đến thương hiệu các sản phẩm địa phương trong mắt người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Hiện nay, ngành nông nghiệp có 10 sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chính đã có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản, trong đó tám sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD gồm: cà-phê, cao-su, gạo, thủy sản, điều, hồ tiêu, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ. Để tận dụng những lợi thế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, Bộ NN và PTNT ưu tiên việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam, mà đầu tiên là thương hiệu cho sản phẩm gạo.