0908.326.779 - 0906.362.707
 

Nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ

11/09/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ
Nền kinh tế thị trường hiện nay bản chất là nền kinh tế tự do cạnh tranh. Doanh nghiệp muốn đứng vững được trên thị trường phải luôn luôn đổi mới và phát triển sản phẩm. Cùng với việc nâng cao lợi thế cạnh tranh, điều kiện tiên quyết để đưa sản phẩm ra thị trường lớn là đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN), việc bảo hộ quyền SHTT đối với các tài sản trí tuệ (TSTT) có vai trò ngày càng quan trọng. Nhưng đáng tiếc tại tỉnh ta, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa nhận biết được tầm quan trọng đó, dẫn tới việc bỏ lỡ cơ hội vươn xa cho sản phẩm đặc trưng của mình.
Được biết, bảo hộ SHTT là việc đảm bảo cho người sáng tạo có thể khai thác giá trị kinh tế từ sản phẩm sáng tạo của mình với 3 hình thức bảo hộ: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Sau khi đăng ký thành công bảo hộ SHTT, chủ sở hữu TSTT sẽ có nhiều lợi ích như: độc quyền sở hữu thương hiệu, được đảm bảo về giá trị pháp lý khi tạo ra sự gia tăng giá trị kinh tế của thương hiệu, tạo ra thế cân bằng khi cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh cùng loại sản phẩm, dịch vụ đó... Đặc biệt, khi phát hiện có vi phạm về bản quyền sở hữu, doanh nghiệp sẽ hạn chế được nguy cơ bị chiếm đoạt thương hiệu, tránh được các chi phí tốn kém cho các hoạt động giải quyết tranh chấp liên quan tới việc xác định chủ sở hữu thương hiệu.
 
Tại tỉnh ta, thống kê đến hết năm 2016, với tổng số 5.725 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, toàn tỉnh mới có 184 TSTT thuộc lĩnh vực SHCN được đăng ký bảo hộ thành công cho các nhóm sản phẩm, dịch vụ; bao gồm 1 chỉ dẫn địa lý, 7 nhãn hiệu tập thể, 4 sáng chế, 7 kiểu dáng công nghiệp và 144 nhãn hiệu thông thường (trong đó có 21 nhãn hiệu đã hết hiệu lực bảo hộ). Như vậy, mới chỉ có 3,2% TSTT được đăng ký bảo hộ quyền SHTT.
 
Sau khi được bảo hộ là nhãn hiệu tập thể, sản phẩm dệt thổ cẩm của huyện Mai Châu đã nâng cao lợi thế cạnh tranh và được thị trường đón nhận.
 
Theo Sở KH&CN, trong 184 TSTT đã được đăng ký bảo hộ thành công, Sở KH&CN có trách nhiệm quản lý 8 TSTT (gồm 1 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và 7 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể) do có sử dụng dấu hiệu địa danh của địa phương và là tài sản tập thể. Còn lại 95,7% các TSTT thuộc lĩnh vực SHCN đều là tài sản của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và được xác lập quyền hoàn toàn từ nguồn vốn tự thân của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Việc quản lý các tài sản này hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ sở hữu, Sở KH&CN chỉ thực hiện công tác thống kê, khảo sát. Tuy nhiên, trong số 64 tổ chức, cá nhân được khảo sát, chỉ có 17 tổ chức có nhận thức về bảo hộ SHTT cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Bên cạnh đó, từ năm 2007 đến nay, Sở KH&CN xác nhận chưa có doanh nghiệp nào đến phòng chuyên môn về SHTT của Sở để đăng ký nhận hỗ trợ từ nguồn NSNN phục vụ công tác xác lập quyền SHCN. Mặc dù hàng năm, Sở tổ chức từ 2 – 4 hội nghị tập huấn về lĩnh vực SHTT, nhưng con số các doanh nghiệp được mời dự có tham gia rất ít, chỉ chiếm khoảng 1%. Cùng với số liệu về số TSTT được bảo hộ, đây là những con số phản ánh thực tế sự quan tâm ít ỏi của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với công tác bảo hộ quyền SHTT cho tài sản của mình, đồng thời phản ánh nguy cơ cao đối với việc bị xâm phạm quyền SHTT.
 
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Phạm Thế Hải, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành – Sở KH&CN cho biết: Việc bảo hộ quyền SHTT giúp định vị sản phẩm, hơn nữa còn được coi như một thứ vũ khí cạnh tranh đắc lực của doanh nghiệp khi đưa sản phẩm của mình vươn ra các thị trường lớn. Tuy nhiên, do chưa thấy được tầm quan trọng của vấn đề này, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có sở hữu TSTT nhưng không đăng ký bảo hộ quyền sở hữu, các khái niệm về SHTT vẫn còn rất xa lạ. Trong khi đó, tình trạng xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là hàng kém chất lượng, hàng giả nhãn hiệu, tranh chấp tên thương mại ở tỉnh vẫn xảy ra ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần thiết thực đưa Luật SHTT vào cuộc sống, chú trọng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo hộ quyền SHTT, qua đó nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến về hành động cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan về vai trò của phát triển thương hiệu nói riêng và SHTT nói chung.
 
Bài 2: Bảo hộ sở hữu trí tuệ mang tới những giá trị mới cho đặc sản địa phương.
Sở hữu công nghiệp (SHCN) là khái niệm chỉ lĩnh vực pháp lý bảo hộ quyền sở hữu đối với các thành quả nghiên cứu triển khai có thể áp dụng công nghiệp.
Tái bản trí tuệ (TSTT) có thể được hiểu là các sản phẩm do trí tuệ con người sáng tạo ra thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo. Trong lĩnh vực SHCN, TSTT bao gồm: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, ngoài ra còn có tên thương mại và bí quyết kinh doanh.
Hiện nay, TSTT đang trở thành một loại tài sản có giá trị cao trong toàn bộ giá trị doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp hoạt động trong sức ép cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, TSTT đóng vai trò như thước đo hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của doanh nghiệp. Bằng việc xác lập quyền sở hữu đối với các TSTT (gọi tắt là SHTT), vị thế của doanh nghiệp được củng cố và mở rộng, khả năng cạnh tranh và doanh thu của doanh nghiệp được nâng cao
Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam