0908.326.779 - 0906.362.707
 

Doanh nghiệp Việt đối mặt thách thức gì khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu?

21/10/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Doanh nghiệp Việt đối mặt thách thức gì khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu?
Vấn đề tìm kiếm khách hàng, nguồn vốn, nhân sự thích hợp và thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý... đang là những vướng mắc lớn đối với đa phần các doanh nghiệp Việt

Trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay, việc tham gia và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đang là niềm mong mỏi của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, dù ở mọi quy mô, tầng nấc và loại hình hoạt động.

Tuy rằng, Chính phủ và các bộ, ban ngành chủ trương tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, song hiệu quả trong thực tiễn còn nhiều điều đáng bàn.

Tại Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu diễn ra ngày 19/10 ở Hà Nội, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Facebook tổ chức, các diễn giả tham dự đã luận bàn về cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời, khuyến nghị các giải pháp tới Chính phủ để có sự hỗ trợ doanh nghiệp sao cho thực chất hơn, mang tính khả thi cao và hiệu quả hơn trong đời sống.

Đánh giá về những thách thức của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó giám đốc, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) cho rằng, vấn đề tìm kiếm khách hàng, nguồn vốn, nhân sự thích hợp và thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý... đang là những vướng mắc lớn đối với đa phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đó là chưa kể, những thách thức trong việc tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp, nhà cung cấp, công nghệ để đổi mới và việc sử dụng công nghệ thông tin hiệu quả... cũng khiến nhiều doanh nghiệp Việt ngần ngại và lo lắng trong quá trình phát triển.

Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, ông Huỳnh Kim Tước, đại diện Facebook Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 53 triệu người Việt Nam sử dụng facebook tích cực hàng tháng; trong đó, có 92% người Việt sử dụng facebook qua thiết bị di động. Quan trọng hơn là có 68% người Việt Nam sử dụng facebook để tương tác với các doanh nghiệp.

Theo ông Tước, tỷ lệ này là rất lớn so với tại các nước trong khu vực và mức bình quan chung trên thế giới mà Facebook có thể thống kê được. Điều đó chứng tỏ, tính hiệu quả và cơ hội thành công lớn của hoạt động kinh doanh trực tuyến; cũng như vai trò không thể thiếu của mạng xã hội đã hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng chung quan điểm, bà Trần Thị Thanh Tâm còn nhận định, khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường, gia tăng hoạt động xuất khẩu ở những ngành hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, giày dép, thiết bị điện tử, thủy sản...

Ngoài ra, còn có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài với những cam kết từ Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.... Quan trọng nhất là doanh nghiệp Việt sẽ được tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, đổi mới hệ thống máy móc để sản xuất những sản phẩm đáp ứng được chất lượng mà các thị trường xuất khẩu đang hướng tới.

Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp các doanh nghiệp Việt có điều kiện và mục tiêu để nâng cao năng lực quản lý, trình độ lao động; tiếp cận cơ sở dữ liệu và thông tin trực tuyến để thuận lợi hơn trong kinh doanh giúp thúc đẩy hoạt động hợp tác và phát triển thị trường, bà Tâm nhấn mạnh.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tham gia vào thị trường toàn cầu để mua, bán các hàng hoá và dịch vụ...

Là một trong nhiều doanh nghiệp Việt kỳ vọng vào hiệu quả đem lại từ hoạt động kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội, bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc bán hàng (khu vực miền Bắc), Công ty TNHH Yến Sào Hoàn Mỹ cho rằng, với xu hướng hiện đại chắc chắn kinh doanh trực tuyến sẽ phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tiến xa hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, điểm hạn chế là mạng xã hội chỉ thực sự hiệu quả đối với những mặt hàng, sản phẩm giá trị thấp. Những lĩnh vực đặc thù và giá trị kinh tế cao hơn sẽ khó phát triển kinh doanh thông qua kênh này. Nguyên nhân chính cũng là do tâm lý tiêu dùng của người Việt chưa thực sự quen và tin vào các hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Do đó, cần có những giải pháp cụ thể và xác thực hơn giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân; giúp các doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm và uy tín hơn...có như vậy, về lâu dài, mạng xã hội sẽ thực sự đem lại những giá trị hữu ích và bền bỉ cho các doanh nghiệp.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, bà Thanh Tâm kiến nghị một số giải pháp tới các cơ quan quản lý Nhà nước như cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng bộ về các quy định, chính sách để doanh nghiệp có thể dễ dàng tham gia và tiếp nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ngoài ra, cần xây dựng các trung tâm tư vấn độc lập cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống đánh giá tín nhiệm các doanh nghiệp nhỏ và vừa để làm cơ sở giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn nhằm khuyến khích họ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần phải được tính toán sao cho phù hợp và khả thi với doanh nghiệp. Ví dụ như khi xây dựng hàng rào kỹ thuật cho các mặt hàng nhập khẩu thì phải tham khảo ý kiến của các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp; phải tính tới chính sách phát triển khu vực tư nhân và coi đây là động lực cho sự phát triển kinh tế, bà Tâm nhấn mạnh.

Đặc biệt, các khu công nghiệp cần được xây dựng để trở thành trung tâm kết nối các doanh nghiệp, đi đôi với việc phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...

Về phía các doanh nghiệp, nhiều diễn giả có mặt tại diễn đàn đều thống nhất quan điểm là các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thông tin về ngành, hàng và thị trường tiềm năng; cũng như các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực của mình.

Trên cơ sở đó, định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tận dụng cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tư do với các đối tác.

Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh cho chính mình; xác định các giá trị cốt lõi để chọn ra sản phẩm và thị trường mục tiêu; chuyển dần từ cạnh tranh về giá sang phương thức cạnh tranh phi giá như về tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã...

Mặt khác, doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu cho mình và đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm của mình; đồng thời, dồn sức nuôi thương hiệu; quảng cáo thương hiệu và nhãn hiệu thông qua các kênh và mạng xã hội như Facebook...

Thạch Huê