Để thực thi được quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), ngăn chặn hàng giả và các vi phạm về SHTT, các doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước.
Hàng giả vẫn là vấn nạn của doanh nghiệp
Đây cũng là nội dung được ngành hải quan khuyến cáo tại Hội nghị Kiểm soát biên giới về sở hữu trí tuệ và phân biệt hàng giả do Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), tổ chức ngày 17/7.
Theo ông Hirai Shinji - Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại TP. Hồ Chí Minh - hàng giả hiện nay bày bán trên thị trường được làm với công nghệ ngày càng tinh vi, người tiêu dùng rất khó để phân biệt được.
Đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy, các vụ việc vi phạm liên quan sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng giả nhãn mác và xâm phạm SHTT luôn song hành cùng nhau với phương thức, thủ đoạn hoạt động tương đối giống nhau. Đa số các đối tượng này sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật; hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác của các DN đã được đăng ký nhãn hiệu để bán ra thị trường. Các đối tượng vi phạm hiện nay đều tinh vi, hiểu biết chính sách, am hiểu nhu cầu thị trường và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng...
Ông Hirai Shinji cho biết thêm, hàng giả trên thị trường Việt Nam được bày bán công khai cả ở những trung tâm thương mại, chợ trung tâm có tên tuổi lớn. Ngoài việc kiểm soát biên giới, cơ quan chức năng cũng cần xem xét hàng giả đó được sản xuất tại Việt Nam hay được sản xuất, làm giả tại nước ngoài rồi vận chuyển trái phép vào Việt Nam tiêu thụ, để có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Văn Triến - Phó Trưởng phòng Phòng Giám sát và Quản lý về Hải quan - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh - cho biết, việc hàng hóa giả mạo tràn lan trên thị trường Việt Nam hiện nay rất khó để kiểm soát và phân biệt. Vì thế người kinh doanh, DN chủ quyền SHTT phải chú trọng bảo vệ được quyền và bản quyền sản phẩm riêng của mình.
"Từ phía các chủ thể quyền cần phối hợp cung cấp thông tin về hàng hóa của mình và hàng hóa bị làm giả để cơ quan chức năng kiểm soát thật nghiêm khắc đối với hàng giả. Trong nhiều năm qua, các cơ quan của Nhật Bản thường phối với cơ quan chức năng của Việt Nam, trong đó cơ quan hải quan tổ chức các cuộc hội thảo, hoạt động chuyên ngành cùng phối hợp trao đổi thông tin trong việc kiểm soát hàng hóa qua biên giới liên quan đến SHTT" - ông Hirai Shinji cho biết thêm.
DN cần chủ động thực thi pháp luật SHTT và cung cấp thông tin vi phạm
Đến nay, các biện pháp tạm dừng làm thủ tục hải quan được tiến hành theo yêu cầu của chủ thể quyền SHTT được bảo hộ tại Việt Nam, nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền SHTT thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm; quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm.
|
Các nhãn hàng nổi tiếng trưng bày và hướng dẫn cách phân biệt giữa hàng thật và hàng giả
|
Bên cạnh đó, ông Lê Văn Triến cũng lưu ý, DN nếu phát hiện ra các đơn vị tổ chức hay các cửa hàng kinh doanh có dấu hiệu, hành vi ăn cắp bản quyền, đạo nhái thương hiệu, sản phẩm của mình, chủ sở hữu có thể thông báo tên công ty và địa chỉ nơi đó đến cơ quan hải quan. Mọi thông tin về người thông báo tố cáo sẽ được bảo mật vì thế chúng ta sẽ yên tâm hơn trong việc cạnh tranh buôn bán hay các hành vi khác.
Từ phía cơ quan hải quan chỉ quyết định dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi chủ thể quyền hoặc người được ủy quyền hợp pháp có đơn đề nghị, bằng chứng về sở hữu hợp pháp quyền SHTT và nộp một khoản tiền hoặc chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng để đảm bảo bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh theo quy định của pháp do việc đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng.
Ngoài ra, các DN cần chủ động phối hợp, hỗ trợ cơ quan thực thi trong công tác chống hàng giả, vi phạm quyền SHTT thông qua việc cung cấp các thông tin đầu mối về SHTT của DN, mặt hàng vi phạm, phương thức thủ đoạn vi phạm, thị trường tiêu thụ, các dấu hiệu phân biệt hàng thật - hàng giả cũng như tham gia vào các vụ việc kiểm tra của lực lượng thực thi khi có yêu cầu.