0908.326.779 - 0906.362.707
 

Doanh nghiệp oằn lưng chống hàng giả

06/03/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Doanh nghiệp oằn lưng chống hàng giả
Tình trạng hàng giả, nhái nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng gia tăng, gây tổn hại về kinh tế lẫn uy tín cho nhiều doanh nghiệp (DN). Các cơ quan chức năng và DN cho rằng, ngoài tăng cường kiểm soát, cần tăng mức chế tài xử lý đối với loại tội phạm này để bảo vệ nền sản xuất chân chính

Hàng giả chưa khi nào “hạ nhiệt”

Thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy, các mặt hàng giá trị và có sức mua cao đều bị làm giả, nhái nhãn hiệu. Đặc biệt, gần đây, một số mặt hàng liên quan đến sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng đều bị làm giả, gây nguy hại cho xã hội.

doanh nghiep oan lung chong hang gia
Tiêu hủy hàng giả

Tại TP. Hồ Chí Minh, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT diễn ra ở nhiều lĩnh vực, ngành hàng, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Ông Nguyễn Văn Bách - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh - cho biết, các đối tượng thường dùng nguyên liệu giá rẻ, mua trôi nổi, pha trộn với một lượng hàng thật hoặc tự sản xuất, sau đó dán nhãn của DN đã được đăng ký nhãn hiệu. Đối tượng bị kiểm tra hầu hết tái phạm nhiều lần, mặc dù trước đó đã xử phạt và ký cam kết.

Năm 2018, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã xử lý 1.028 vụ hàng giả, vi phạm quyền SHTT, tăng 217 vụ so với năm 2017; trong đó, có tới 1.021 vụ vi phạm kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2019, Cục QLTT thành phố đã xử lý 62 vụ hàng giả và vi phạm SHTT...

Tương tự, tại khu vực miền Tây Nam bộ, tình trạng này cũng diễn biến rất phức tạp, tập trung vào các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng điện tử, mỹ phẩm, tân dược… Năm 2018 và 2 tháng đầu năm 2019, lực lượng QLTT Long An đã xử lý hơn 20 vụ hàng giả, vi phạm SHTT. Đánh giá về nguyên nhân, đại diện Cục QLTT tỉnh Long An cho hay: Nhiều loại hàng hóa sản xuất trong nước có tính cạnh tranh chưa cao về mẫu mã, chất lượng; người tiêu dùng không nhận biết hàng thật, hàng giả và có tâm lý chấp nhận hàng giá rẻ; DN bị sản xuất hàng giả, vi phạm quyền SHTT thường không hợp tác với cơ quan chức năng vì ngại khiếu kiện, sợ bị tẩy chay sản phẩm. Cùng với đó, cơ chế phối hợp của các ban, ngành chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, kinh nghiệm giải quyết về hàng giả có yếu tố nước ngoài của cán bộ, công chức còn hạn chế…

Trong năm 2018, Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền SHTT (Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan) đã phát hiện và xử lý 28 vụ hàng hóa nhập khẩu vi phạm về xuất xứ, vi phạm quyền SHTT, trị giá hàng vi phạm trên 6 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Ba - Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền SHTT, các đối tượng chủ yếu lợi dụng hàng hóa được phân luồng xanh (không kiểm tra thực tế hàng hóa), không khai báo trên tờ khai hải quan, khai sai tên hàng, xuất xứ, trộn lẫn hàng hóa vi phạm với hàng hóa nhập khẩu hợp pháp.

Cần chế tài xử lý nghiêm vi phạm

Đại diện cho ngành mỹ phẩm, bà Phạm Thị Đào - Tổng giám đốc Công ty Mỹ phẩm Anh Đào - cho biết, các loại mỹ phẩm do công ty sản xuất, bày bán trên thị trường trong và ngoài nước thường xuyên bị làm giả, vi phạm quyền SHTT. Mặc dù công ty đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị, tem nhãn để chống bị làm giả nhưng các đối tượng cũng sẵn sàng đầu tư công nghệ để ăn cắp mẫu mã với mức độ ngày càng tinh vi. Bà Đào giải thích nguyên nhân sản phẩm luôn bị làm giả và khó dẹp là do khi bị phát hiện, mức xử phạt đối với đối tượng vi phạm quá nhẹ, không đủ sức làm các đối tượng chùn tay. Mặt khác, sự vào cuộc kiểm tra, xử lý đối với các vụ làm hàng giả, vi phạm quyền SHTT của các cơ quan có thẩm quyền thiếu quyết liệt dẫn đến vụ việc kéo dài, thậm chí không thu được kết quả.

Ông Lê Quốc Phong - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam - đánh giá, trên thị trường, phân bón là một trong những mặt hàng đứng đầu về tình trạng bị làm giả, nhái nhãn hiệu, vi phạm quyền SHTT. Để loại bỏ các loại phân bón giả, kém chất lượng, ông Phong cho rằng, DN cần tự bảo vệ mình bằng cách quản lý đến từng đại lý, bao phân bón… bán ra thị trường. Quan trọng hơn, nhà nước cần xem xét lại các chế tài trong xử lý hàng giả, vi phạm quyền SHTT, vì mức xử phạt hiện nay là quá nhẹ. “Ngoài tăng cường khâu kiểm tra của các cơ quan chức năng, việc rút giấy phép, xử lý hình sự đối với những đối tượng vi phạm lớn, nhiều lần là cần thiết để bảo vệ nền nông nghiệp, bảo vệ người dân” - ông Phong đề xuất.

Theo ông Trương Văn Ba - Phó chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia - Chính phủ luôn chỉ đạo quyết liệt công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT. Thực tế, các bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm thực hiện sự chỉ đạo này nhưng nhiều cơ quan, đơn vị phối hợp chống hàng gian, hàng giả còn xao nhãng, chưa thu được kết quả. Để đẩy lùi hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, cần sự quyết liệt trong thực thi của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Trong đó, sự gắn kết, chia sẻ thông tin về đường dây, đối tượng, địa bàn hoạt động, nơi kinh doanh giữa các cơ quan chức năng với các địa phương và DN sản xuất rất quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Bách - Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh: Để góp phần loại trừ hàng giả, vi phạm quyền SHTT, nhà sản xuất cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc khai báo sản phẩm bị xâm hại kiểu dáng, bản quyền; người tiêu dùng cần “nói không” với các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả mạo.
Nhóm PV