0908.326.779 - 0906.362.707
 

Loạn mác an toàn thực phẩm tết

19/12/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Loạn mác an toàn thực phẩm tết
Theo thông tin từ Sở Công Thương TPHCM, để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao vào dịp cuối năm của người tiêu dùng TP đã chỉ đạo các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, trứng, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, đồ uống và các sản phẩm đặc trưng tết để phục vụ người tiêu dùng
Chuẩn bị sẵn sàng
Năm 2019, hàng tết chiếm ưu thế vẫn là hàng Việt. Riêng tại 3 chợ đầu mối, lượng hàng hóa nhập chợ hiện nay bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản chiếm khoảng 60-70% thị trường. Dự kiến vào thời điểm cận tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày.
Tại các DN, không khí chuẩn bị nguồn hàng cho Tết Nguyên đán năm nay cũng hết sức sôi động. Công ty Vissan dự kiến sản lượng hàng tết năm 2019 tăng 15-20% so với tết 2018, trong đó thực phẩm tươi sống đạt 3.200 tấn, thực phẩm chế biến 2.800 tấn. Tổng giá trị hàng hóa công ty dự trữ cho đợt tết năm nay 800 tỷ đồng.
Hay như tại Công ty Ba Huân, dự kiến lượng hàng cung cấp ra thị trường trong dịp Tết Kỷ Hợi sẽ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc công ty cho biết, các sản phẩm của công ty sẽ được phân phối ở hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, các khu công nghiệp…
Vào những ngày cuối năm, công ty sẽ tổ chức các chuyến hàng lưu động để phục vụ cho người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa và vẫn tiếp tục thực hiện chương trình ổn giá. 
Loạn mác an toàn thực phẩm tết ảnh 1Dự kiến lượng hàng cung cấp ra thị trường trong dịp Tết Kỷ Hợi sẽ tăng khoảng 20%. 

Phía các siêu thị như hệ thống của Saigon Coop cho biết ngay từ tháng 6, Saigon Coop đã chuẩn bị kế hoạch cung ứng tết 2019. Tổng giá trị hàng chuẩn bị tết khoảng 3.000 tỷ đồng cho 2 tháng tết. Các hệ thống bán lẻ của Saigon Coop bên cạnh việc giữ giá một số mặt hàng thiết yếu, còn giảm giá sâu khoảng 1.000 mặt hàng.
Không chỉ những DN lớn, các chuỗi siêu thị đang tất bật chuẩn bị hàng hóa cho tết nguyên đán. Những cửa hàng từ online đến offline cũng đang giới thiệu rất nhiều mặt hàng thực phẩm như bánh kẹo và thực phẩm tươi sống, đến rất nhiều loại rượu đặc trưng của con giáp năm nay là con heo.
Hàng vô cùng đa dạng từ nhập khẩu với các loại bánh kẹo, rượu, thực phẩm chế biến sẵn, đến tự tay chế biến như các sản phẩm mứt… rồi vô vàn các sản phẩm đặc sản vùng miền khác cũng đang được người bán quảng bá, gom đơn từ thời điểm này. 

Hoang mang với mác an toàn
Nếu nói đến mối lo của người tiêu dùng, trước hết là ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Bởi ở đây hàng hóa bán tràn ngập nhưng chất lượng vệ sinh an toàn chẳng ai đảm bảo. Thậm chí nông sản Trung Quốc đội lốt hàng Việt như khoai tây, cà rốt, cải thảo, cà chua… dịp này còn tăng cường nguồn hàng nhiều hơn. Một mối lo khác chính là những sản phẩm quảng cáo “nhà làm”, ngon thì có ngon, đặc trưng cũng có, nhưng an toàn chỉ người bán mới biết. 
Để tìm sự an tâm cho mình và gia đình nhất là trong mùa tết, nhiều người sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua các mặt hàng rau, quả, thực phẩm được quảng cáo là sản xuất an toàn theo những tiêu chuẩn như GlobalGAP hay VietGAP… và ưu tiên cho cả những sản phẩm hữu cơ. Song ngay cả những sản phẩm khoác áo an toàn này cũng chưa chắc đã an toàn.
Theo chia sẻ của Thạc sĩ Đỗ Lan Nhi, giảng viên công nghệ thực phẩm, một số chứng nhận như GlobalGAP đang được sử dụng nhầm lẫn, thậm chí một số nhà sản xuất cố tình gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Chẳng hạn trên một bịch gạo, đúng ra phải ghi là sản phẩm sản xuất theo quy trình GlobalGAP, nhưng nhiều nhà sản xuất lại ghi sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Những nhầm lẫn này lại đang khá phổ biến trên thị trường. Những tiêu chuẩn như GlobalGAP chỉ xác nhận hệ thống quản lý của công ty có năng lực sản xuất ra sản phẩm an toàn. 
Hay có những chứng nhận GlobalGAP hay VietGAP… đã hết hiệu lực, nhưng nhà sản xuất vẫn cố tình lờ đi khiến người tiêu dùng tưởng rằng mình vẫn mua sản phẩm an toàn. Để biết chính xác người tiêu dùng có thể tra cứu trên website của những tổ chức chứng nhận này. Song có mấy người tiêu dùng biết hoặc có đủ thời gian kiểm chứng hết các sản phẩm mà mình mua mỗi ngày. 
Trong lần trao đổi với ĐTTC cách đây chưa lâu, bà Nguyễn Thị Lê Na, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch nhấn mạnh, hiện có rất nhiều ngộ nhận trên thị trường từ phía nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng, đó là có QR code tức có truy xuất nguồn gốc, hoặc tem chống hàng giả là truy xuất nguồn gốc, tức sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần nhấn mạnh rằng, mọi công nghệ truy xuất nguồn gốc chỉ là công cụ, then chốt của niềm tin tiêu dùng vẫn là ở khâu sản xuất ra sản phẩm. Truy xuất chỉ có thể giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về thông tin sản phẩm.
Vì thế, để người tiêu dùng hiểu và nhận định đúng về sản phẩm, cả nhà sản xuất và các bên liên quan từ Nhà nước, cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống kinh doanh... cần tăng cường các thông tin chính thống, đúng đắn và dễ hiểu cung cấp cho người tiêu dùng.
Thậm chí ngay với thực phẩm hữu cơ cũng đang có những ngộ nhận về những yếu tố như an toàn hơn, dinh dưỡng hơn và vị ngon hơn. Theo ông Vũ Thế Thành, chuyên gia về an toàn thực phẩm, nông sản hữu cơ hầu hết không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu nông sản thông thường tuân thủ đúng quy định an toàn thực phẩm, vấn đề an toàn, dinh dưỡng giữa hai loại này không khác biệt nhiều. Tất nhiên, thực phẩm hữu cơ là hướng đi tốt để bảo vệ môi trường. 
 Có thể thấy, người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay đang ngày càng rơi vào ma trận của vô vàn sản phẩm thật-giả lẫn lộn. Và cũng chính vì sự thật chưa được minh bạch nên những DN, cá nhân làm sản phẩm sạch thực sự cũng hết sức vất vả. 
Thanh Lâm