0908.326.779 - 0906.362.707
 

TP Hồ Chí Minh: Phối hợp nhiều bên để đẩy lùi hàng giả

29/10/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
TP Hồ Chí Minh: Phối hợp nhiều bên để đẩy lùi hàng giả
Buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra phổ biến tại TP Hồ Chí Minh. Việc đẩy lùi hàng giả cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
"Ma trận" hàng giả, hàng nhái...

Chị Nguyễn Ngọc An - ở quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Tôi ra chợ Bà Chiểu quận Bình Thạnh tìm mua giày thì thấy nhãn hiệu Nike có mẫu mã đẹp, thiết kế ấn tượng, giá chỉ từ 200.000 đến 500.000 đồng/đôi và tôi đã chọn mua một đôi với giá 500.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, tôi mới biết đây là hàng giả. 

Thực tế, hàng giả đã và đang trà trộn tràn ngập trong các chợ truyền thống. Hàng giả ngày càng khó kiểm tra, phát hiện vì chúng còn được phân phối qua hình thức bán hàng trên mạng (online). Nhóm hàng thực phẩm chức năng, thuốc tân dược bị làm giả chiếm tỷ lệ cao, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng. 

Gần đây, ngày 10-8, Đội Quản lý thị trường Hóc Môn đã kiểm tra 2 cơ sở sản xuất, gia công bao cao su tại địa chỉ 96/5D và 92/6F xã Xuân Thới Thượng, do ông Nguyễn Duy Thiện làm chủ. Hai cơ sở này sản xuất bao cao su nhái các thương hiệu ngoại. Cơ quan chức năng đã tịch thu hơn 4.800 hộp bao cao su thành phẩm giả cùng các loại bán thành phẩm, vỏ hộp. Vụ việc được chuyển cho cơ quan công an điều tra vì có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ.

Bên cạnh đó, hàng gian lận thương mại, hàng kém chất lượng cũng tràn ngập thị trường. Ông Đào Minh Tiến, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty cổ phần Pin ắc quy Miền Nam cho hay: "Lợi dụng kẽ hở trong quản lý nhà nước, nhiều công ty nhập khẩu ắc quy từ nước ngoài đã gian lận kê khai thuế nhập khẩu, gian lận bán hàng, nhập ắc quy kém chất lượng về bán trong nước với giá rẻ hơn. Chẳng hạn, bình ắc quy 12V-150Ah nhưng thực tế chỉ là 12V-135Ah... ".

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, trong 9 tháng năm 2018, thành phố đã kiểm tra, phát hiện 797 vụ hàng giả. Mặt hàng giả nhiều nhất là thực phẩm, quần áo, giày dép, dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, điện tử. Cục Quản lý thị trường thành phố đã tạm giữ hơn 520.000 ví, túi xách, đồng hồ, mắt kính, quần áo làm giả các thương hiệu ngoại nổi tiếng như: Chanel, Hermes, Rolex, Dior... Đồng thời, xử phạt hơn 6,7 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 1 vụ sản xuất mũ bảo hiểm giả nguồn gốc, xuất xứ và 1 vụ kinh doanh thuốc giả.

Cần sự vào cuộc của cả ba bên

Hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào mục tiêu sản xuất, kinh doanh mà chưa đầu tư vào việc bảo vệ sản phẩm. Vì vậy, các đối tượng đã lợi dụng điều này để làm giả hàng hóa. Ông Lê Quốc Phong - Phó Chủ tịch Hội Phân bón Việt Nam cho biết: "Doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình bằng cách sản xuất sản phẩm có thể chống được sự gian lận thương mại, chống hàng giả thông qua việc ứng dụng công nghệ. Ví dụ, doanh nghiệp phân bón cần quản lý theo khu vực, bao bì, nhà phân phối. Khi phát hiện sản phẩm có dấu hiệu bị làm giả phải đến làm việc trực tiếp với nơi bán, đồng thời cảnh báo đến nông dân để họ nắm rõ sự việc, tránh mua nhầm hàng kém chất lượng. Sau đó là kết hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm theo pháp luật".
 

 

Kiểm tra hàng nhập khẩu tại Cảng Cát Lái, ngăn chặn hàng giả tuồn vào nội địa.

Còn ông Nguyễn Việt Hồng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vina, đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp cho doanh nghiệp chống nạn hàng giả, hàng nhái cho biết: "Doanh nghiệp hoàn toàn có thể chống hàng giả thông qua ứng dụng công nghệ quản lý hàng hóa của phần mềm ứng dụng công nghệ Blockchain. Phần mềm giúp doanh nghiệp quản trị được khâu sản xuất, nhập kho, xuất kho đến người tiêu dùng".

Để giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái, ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đã thành lập các Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ thành phố đến 24 quận, huyện để kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp kiểm tra, xử lý sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Công tác phối hợp trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm giữa các lực lượng chức năng với Cục Quản lý thị trường thành phố được thực hiện tốt; thường xuyên phối hợp kiểm tra các địa điểm tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Ông Nguyễn Văn Bách cho rằng, việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cần có sự vào cuộc của ba bên là cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp. Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục tuyên truyền người dân nên mua sắm qua các website thương mại điện tử uy tín đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước; hàng hóa kinh doanh phải có đủ thông tin theo quy định; thực hiện bán hàng phải có giấy tờ hóa đơn chứng minh việc giao dịch. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải kịp thời tố giác với cơ quan chức năng các trường hợp mua bán hàng hóa qua mạng vi phạm các quy định pháp luật để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Tuệ Diễm