Thời điểm này, các đoàn kiểm tra liên ngành từ trung ương, thành phố đến quận, huyện, xã, phường đang đồng loạt triển khai thanh tra, kiểm tra về vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm trong sản xuất
bánh,
kẹo dịp Tết Trung thu. Điều đáng nói, qua kiểm tra, không chỉ cơ sở nhỏ, lẻ sản xuất theo quy mô hộ gia đình, làng nghề truyền thống, mà ngay cả cơ sở có uy tín,
thương hiệu trên thị trường cũng phát hiện sai phạm.
Đủ kiểu vi phạm
Làng nghề
bánh kẹo La Phù (xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một trong những nơi sản xuất bánh kẹo lớn của miền Bắc. Thời điểm này, nơi đây như một công xưởng tấp nập. Thế nhưng, đằng sau những hộp bánh trung thu với đủ mẫu mã bắt mắt, thì vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm lại là một câu chuyện khác…
Mùa Trung thu năm ngoái, Đoàn thanh tra của Bộ Y tế đã kiểm tra đột xuất 3 cơ sở sản xuất bánh kẹo, bánh trung thu tại làng La Phù, phát hiện 2 cơ sở vi phạm các điều kiện về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Năm nay, trước những dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, bao gói sản phẩm bánh trung thu Bảo Châu (một cơ sở sản xuất ở La Phù), ngày 14-9, Đoàn kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương Hà Nội) đã truy xuất nguồn gốc tại xưởng sản xuất của cơ sở. Vào thời điểm kiểm tra, đoàn đã phát hiện những vi phạm nghiêm trọng tại đây như sử dụng nhãn mác từ năm 2012, sản phẩm bánh có phụ gia là chất ổn định và chất bảo quản, không phù hợp với công bố tiêu chuẩn.
Không chỉ tại làng nghề truyền thống, ngay cả cơ sở sản xuất bánh “có tiếng” ở Thủ đô, khi kiểm tra cũng phát hiện nhiều sai phạm. Tiệm bánh Nhọ Nồi, thuộc Công ty TNHH Nhọ Nồi (144 phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) được thiết kế khá ấn tượng. Nhìn bên ngoài, từ không gian quán cho tới các tủ trưng bày bánh đều sạch sẽ.
Song, khi kiểm tra bất ngờ, đằng sau cửa tiệm bắt mắt lại là khu sản xuất bánh mất vệ sinh, được "hóa trang" khá tinh vi, rất khó phát hiện. Từ mặt sàn khu sản xuất đến các giá, kệ để nguyên liệu,
dụng cụ đánh
trứng, nhào bột… tất cả đều cáu bẩn, han rỉ. Toàn bộ nhân viên làm bánh không được trang bị găng tay, mũ, khẩu trang. Hương liệu sản xuất bánh không tem nhãn theo quy định, bột bánh được vứt vương vãi mặc cho kiến bu bám…
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa có giấy phép hoạt động. Với những sai phạm nêu trên, Đoàn kiểm tra liên ngành
an toàn thực phẩm số 1 của TP Hà Nội đã lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở, đồng thời thu hồi toàn bộ số bánh thành phẩm tại đây.
Công ty cổ phần
Bánh ngọt Anh Hòa (53-55 Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng là một thương hiệu bánh ngọt có tiếng, nhưng khi kiểm tra, cũng phát hiện khu vực sản xuất bánh chật hẹp, sắp xếp lộn xộn, nền nhà bẩn, nhân viên không đeo khẩu trang khi làm bánh... Ngoài ra, trong các khay trứng được cơ sở nhập về để sản xuất bánh có nhiều quả bị dập, bị hỏng...
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, đây là một cơ sở sản xuất lớn, uy tín, cung cấp bánh cho nhiều nơi. Tuy nhiên, khu nhà xưởng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cơ sở cần khẩn trương khắc phục những tồn tại nêu trên, cải tạo và nâng cấp khu sản xuất, tập huấn cho nhân viên về công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Tương tự, khi kiểm tra tại cơ sở sản xuất bánh trung thu Tùng Lâm (100 phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội), dù cơ sở xuất trình được đầy đủ hồ sơ pháp lý, nhưng qua kiểm tra thực tế, khu sản xuất đan xen với khu sinh hoạt của gia đình, các cửa sổ chưa có lưới chắn côn trùng, nhân viên làm bánh không có đủ bảo hộ lao động. Đặc biệt, thời điểm kiểm tra là ngày 15-9, song một số vỏ bánh đã in nhãn ngày sản xuất là 16-9…
Câu hỏi lớn về an toàn thực phẩm
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới tại phố Hàng Buồm và chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) vẫn có các
cửa hàng chuyên kinh doanh nguyên liệu làm bánh trung thu để phục vụ cho phong trào làm bánh “hand made” (sản phẩm làm thủ công). Điểm chung là các loại hương liệu, nước đường làm bánh, bột bánh, nhân đậu xanh, nhân khoai môn, hạt dưa… được mua tại đây đều không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Bánh trung thu “hand made” đang được quảng cáo rầm rộ trên các diễn đàn, mạng xã hội và người bán khẳng định chất lượng với khách hàng chỉ bằng… niềm tin.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, do đặc thù sản xuất theo mùa vụ, chỉ làm cấp tập trong một thời gian ngắn nên hoạt động sản xuất bánh trung thu tại nhiều cơ sở diễn ra rất lộn xộn, không bảo đảm yêu cầu. Từ nay đến Tết Trung thu chỉ còn 20 ngày nữa, các đoàn liên ngành của thành phố sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu và cả các cửa hàng kinh doanh nguyên liệu làm bánh. Ngoài việc kiểm tra giấy tờ pháp lý, các điều kiện cơ sở vật chất, sẽ lấy mẫu để xét nghiệm các chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, phẩm màu...
Giữa một “rừng” các loại bánh đủ thương hiệu, bao gói từ cao cấp đến bình dân, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hợp khẩu vị, túi tiền của mình. Thế nhưng, loại bánh nào mới bảo đảm chất lượng vẫn luôn là một câu hỏi lớn. Và những đợt ra quân kiểm tra rầm rộ có tạo thêm sự tin tưởng cho người tiêu dùng với bánh trung thu hay không?