0908.326.779 - 0906.362.707
 

Kiểm soát an toàn vệ sinh bánh trung thu

13/09/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Kiểm soát an toàn vệ sinh bánh trung thu
Mới tháng bảy âm lịch nhưng trên các tuyến đường vùng ven thành phố đã xuất hiện nhiều quầy, tủ bán bánh trung thu. Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường là điều đáng hoan nghênh, nhưng chất lượng, mức độ an toàn vệ sinh của nguyên liệu, quy trình sản xuất bánh trung thu ra sao và việc bày bán trên lề đường, hè phố, mái che mưa nắng sơ sài đang là những vấn đề gây lo ngại cho người tiêu dùng.

Thị trường rộng, nhiều chủng loại, đối tượng phục vụ đa dạng, số lượng tiêu thụ lớn nên bánh trung thu là một trong những mặt hàng đem lại lợi nhuận khá cao cho nhà sản xuất và các tổ chức, cá nhân tham gia phân phối, tiêu thụ. Là sản phẩm thực phẩm sản xuất, bán theo mùa, thời hạn bảo quản không lâu, phục vụ cho cả người lớn tuổi và trẻ em..., cho nên bánh trung thu đòi hỏi mức độ nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Sản xuất hàng nghìn tấn bánh trung thu mỗi mùa trong một thời gian không dài, nhà sản xuất phải chuẩn bị nhà xưởng, bố trí nhân lực, tập kết, cất trữ nguyên liệu từ rất sớm. Để có những chiếc bánh trung thu hợp vệ sinh, trước hết, nguyên liệu làm bánh phải có nguồn gốc an toàn, hợp vệ sinh, còn hạn sử dụng. Các loại phụ gia, chất bảo quản phải trong danh mục được Bộ Y tế cho phép sử dụng làm thực phẩm cho người. Nhà xưởng, dụng cụ sản xuất phải sạch sẽ. Công nhân làm việc trực tiếp phải được khám sức khỏe định kỳ, không mắc bệnh truyền nhiễm, được tập huấn kiến thức an toàn, vệ sinh thực phẩm; khi làm việc phải đeo khẩu trang, găng tay...

Những năm trước, trên cả nước đã có không ít trường hợp các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu bị phát hiện dùng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, quy trình sản xuất bánh mất vệ sinh.

Thông tin Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố tổ chức đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm liên quan đến Tết Trung thu được người tiêu dùng thành phố rất hoan nghênh.

Bánh trung thu chủ yếu do các công ty bánh kẹo; nhà sản xuất truyền thống, uy tín đã được khẳng định cung ứng. Tham gia thị trường còn có các cơ sở tư nhân với quy mô nhỏ, sản xuất theo phương pháp thủ công. Bên cạnh đó, do lo ngại về vệ sinh thực phẩm cho nên cũng có nhiều người mua nguyên liệu tự làm các loại bánh trung thu... Vì vậy, việc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trước hết cần tập trung đối với các chợ đầu mối, cửa hàng cung ứng nguyên liệu làm bánh (nhất là nguyên liệu làm nhân), các chất phụ gia, chất bảo quản; kịp thời phát hiện, tiêu hủy những nguyên liệu không rõ nguồn gốc; không được phép dùng trong chế biến thực phẩm. Vận động và có các biện pháp buộc nhà sản xuất phải tuân thủ các quy định về vệ sinh trong quá trình sản xuất, phân phối.

Một người dân ở quận Bình Thạnh phản ánh, khi hỏi mua một hộp bánh trung thu ở tiệm tạp hóa, do là khách quen cho nên chủ tiệm nói nhỏ: "Nhãn mác là vậy nhưng không chính hãng", rồi khuyên muốn mua đúng hàng thì đến siêu thị hoặc các đại lý lớn. Loại bánh trung thu nhái nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc thường trà trộn bày bán ở các hiệu tạp hóa trong các con hẻm nhỏ, chợ tự phát, khu vực vùng ven, ngoại thành. Việc thanh tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu không chỉ làm lành mạnh thị trường, mà còn có tác dụng ngăn chặn bánh trung thu mất vệ sinh, không an toàn, gây tổn hại sức khỏe, tiền bạc cho người tiêu dùng.

Thực tế có nhiều quầy bánh trung thu bày bán trên lề đường, hè phố, nhất là khu vực vùng ven. Dù được trưng bày trong tủ kính nhưng với lưu lượng xe cộ tấp nập suốt ngày, lại phải phơi nắng, chịu mưa từ sáng sớm tới tối khuya, khả năng bánh giảm chất lượng, nhiễm bụi bẩn, nhiễm khuẩn rất cao cho nên cũng cần được thanh tra, kiểm tra về chất lượng, vệ sinh an toàn.

Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần tự bảo vệ bằng cách chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, còn hạn sử dụng, bảo đảm vệ sinh để tránh những thiệt hại không đáng có.

VÂN AN