0908.326.779 - 0906.362.707
 

Quy trình thụ lý khiếu nại về hàng hóa xâm phạm quyền SHTT rất phức tạp!

18/10/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Quy trình thụ lý khiếu nại về hàng hóa xâm phạm quyền SHTT rất phức tạp!
Không có kênh phản hồi và báo cáo chính thức của chủ sở hữu quyền khi phát hiện xâm phạm; Quy trình thụ lý khiếu nại về hàng hóa xâm phạm quyền SHTT rất phức tạp, thời gian kéo dài và không có bất cứ cam kết xử lý nào...

Mới đây, tại hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” vừa được Cục SHTT – Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, luật sư Phan Vũ Tuấn, Văn phòng luật Phan Law Vietnam nhận định, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, vấn nạn xâm phạm quyền SHTT trên Internet đã trở nên phổ biến, gây nhiều tác động tiêu cực đến doanh thu và hoạt động kinh doanh của các chủ sở hữu.

Thực tiễn cho thấy, trong lĩnh vực nghe - nhìn, hành vi xâm phạm SHTT chủ yếu là các đối tượng đã “coppy” lại nội dung các bản ghi âm, ghi hình âm nhạc, các chương trình phát sóng, các gamshow..., sau đó đăng tải trên các website của mình, các trang mạng xã hội lớn có độ tương tác cao. Với sản phẩm hàng hóa, sự phát triển hạ tầng Internet cùng với các xu hướng IoT và BigData khiến việc mua sắm qua mạng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

khieu nai

Quy trình thụ lý khiếu nại về hàng hóa xâm phạm quyền SHTT rất phức tạp?

Ngoài các sàn giao dịch TMĐT của Việt Nam như Tiki, Adayroi, sendo..., các sàn giao dịch TMĐT quốc tế ồ ạt tràn vào Việt Nam như Lazada, Shopee, Alibaba...

Trong khi đó, các sàn giao dịch TMĐT chỉ chịu sự quản lý của Bộ Công thương, nên các vấn đề về SHTT thường bị bỏ ngỏ, vi phạm quyền SHTT trong môi trường số cũng trở nên phức tạp.

Các hoạt động xâm phạm quyền SHTT diễn ra thường xuyên nhất là bán hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp... của các sản phẩm nổi tiếng để bán các sản phẩm của đơn vị vi phạm với mức phí thấp hơn rất nhiều với hàng chính hãng, trong khi các sàn giao dịch TMĐT ở Việt Nam quy định rất lỏng lẻo.

Cụ thể, không có kênh phản hồi và báo cáo chính thức của chủ sở hữu quyền khi phát hiện xâm phạm; Quy trình thụ lý khiếu nại về hàng hóa xâm phạm quyền SHTT rất phức tạp, thời gian kéo dài và không có bất cứ cam kết xử lý nào; Sau khi xử lý không có bất kỳ thông tin phản hồi nào cho chủ sở hữu quyền..., không có hình phạt dành cho các chủ cửa hàng bán hàng xâm phạm.

Khác với sàn giao dịch TMĐT Ebay, Amazon (của Mỹ - chưa chính thức hiện diện tại Việt Nam), quyền SHTT được quan tâm và các sàn giao dịch TMĐT này hạn chế tối đa việc bán hàng xâm phạm SHTT và xử lý rất nghiêm khắc các chủ hàng vi phạm.

Trước đó, tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại-Phát triển thị trường trong hội nhập quốc tế”.Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu giá thành thấp, mua trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ để pha trộn với một lượng hàng thật (rượu, xi măng, phân bón,…) hoặc tự sản xuất hàng, sau đó dán nhãn mác, niêm phong, của các doanh nghiệp đã được đăng ký nhãn hiệu. Ngoài ra, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhập lậu, nhất là hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Lacoste, Louis Vuitton, Gucci, Lancome, Apple… Các đối tượng bị kiểm tra hầu hết tái phạm nhiều lần, mặc dù đã bị xử phạt và ký cam kết nhưng do lợi nhuận cao, hình thức xử phạt còn nhẹ, sự phối hợp kiểm tra, xử lý chưa đồng bộ, công tác quản lý của các Trung tâm thương mại, Ban Quản lý các chợ chưa quyết liệt, chặt chẽ dẫn đến vẫn còn tình trạng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ được bày bán.

Đáng chú ý, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận với thương mại điện tử thông qua việc thành lập các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng. Đây là kênh phân phối hiện đại và ngày càng phổ biến, do đó nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...; đặc biệt là các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... được bày bán công khai, tràn lan trên các website thương mại điện tử và trên mạng xã hội gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện nơi kinh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng này để xử lý do những vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ vốn đã phức tạp và khó khăn thì những vi phạm trong thương mại điện tử còn “tinh vi” và phức tạp hơn rất nhiều

Loan Hoàng