0908.326.779 - 0906.362.707
 

Những điểm yếu khiến doanh nghiệp nông sản Việt dễ bị cướp tên

10/05/2021    4.6/5 trong 5 lượt 
Những điểm yếu khiến doanh nghiệp nông sản Việt dễ bị cướp tên
Theo chuyên gia nông nghiệp, sở dĩ nông sản Việt "mang chuông đi đánh xứ người" dễ bị doanh nghiệp ngoại "đánh cắp" thương hiệu là vì vẫn còn nhiều điểm yếu
Nhiều sản phẩm nông sản bị "mất tên"
 
Trong những năm qua, nhiều vụ việc “kinh điển” vẫn thường được các doanh nghiệp đề cập tới như những bài học về hậu quả của việc chưa nhận thức đầy đủ và lơ là trong bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.
 
Mới đây nhất là câu chuyện của gạo Việt ngon nhất thế giới năm 2019 ST25 bị 6 doanh nghiệp Mỹ và Úc "nhanh tay" đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
 
Đó còn là câu chuyện của thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột. Được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm càphê nhân từ năm 2005, song thương hiệu này đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ.
 
Càphê Trung Nguyên cũng vật vã đi đòi lại thương hiệu vì "quên" không đăng ký và bị doanh nghiệp khác “chôm” mất. Theo đó, Trung Nguyên từng bị công ty Rice Field đăng kí bảo hộ thương hiệu café Trung Nguyên tại Mỹ và WIPO (Tổ chức bảo hộ Trí tuệ thế giới).
 
Phải mất nhiều năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu này và Rice Field nhận làm đại lý phân phối càphê Trung Nguyên tại Mỹ.
 
Để dàn xếp ổn thỏa, Trung Nguyên đã phải rất vất vả và tiêu tốn hàng trăm nghìn USD để lấy lại tên miền này. Sau đó, càphê Trung Nguyên đã thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu tại hơn 60 nước và lãnh thổ trên thế giới.
 
Ngoài ra, các thương hiệu nông sản khác như kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc... đều mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để đi tìm lại tên trên các thị trường quốc tế.
 
Trao đổi với Lao Động, ông Đào Đức Huấn – Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn – Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nông - lâm - thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian vừa qua, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị kinh tế lớn như gạo, đường, càphê, điều, rau củ quả...
 
Kết quả đó là sự tổng hợp của nhiều chính sách, giải pháp đột phá, mạnh mẽ cả về sản xuất và thị trường, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các định hướng, giải pháp phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu cho nông sản.
 
Nông sản Việt dễ bị "mất tên" vì còn nhiều điểm yếu
 
Tuy nhiên, phân tích việc nông sản Việt khi ra nước ngoài dễ bị "mất tên", theo ông Đào Đức Huấn "là vì chúng ta vẫn còn nhiều điểm yếu".
 
Điểm yếu thứ nhất về thời gian và nguồn lực. Theo đó, để xây dựng được một thương hiệu quốc gia phải mất từ 5-10 năm, thậm chí có thể lâu hơn, cùng với đó là nguồn lực đầu tư cũng yêu cầu rất lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp nông sản Việt chưa chú trọng điều này, nhiều doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài chỉ chú trọng sản phẩm của mình bán thế nào.
 
"Đầu tư cho xây dựng thương hiệu cũng cần nguồn lực như chúng ta đầu tư cho khoa học công nghệ, hay lĩnh vực phát triển sản xuất" - ông Huấn khẳng định.
 
Thứ hai đó là điểm yếu về năng lực và sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của các hiệp hội ngành hàng.
 
"Sự thay đổi về tư duy chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu sang chiến lược sản xuất – chế biến và thương mại sản phẩm cuối cùng (chế biến, đóng gói) là điều mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay còn thiếu và yếu” - ông Đào Đức Huấn cho biết.
 
Cũng theo ông Huấn, trong bối cảnh yêu cầu đổi mới của ngành nông nghiệp, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thương hiệu nông sản đã và sẽ đóng vai trò quan trọng để xác định các định hướng đổi mới, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, thương mại nông sản.
 
Do đó, cần phải xác định, thương hiệu nông sản là cơ sở để định hướng, cấu trúc lại sản xuất, chế biến và thương mại nông sản trên cơ sở hình thành tiêu chuẩn sản phẩm, định vị thị trường và kênh phân phối. Xây dựng thương hiệu nông sản là xây dựng “sản phẩm của Việt Nam”, là nền tảng để phát triển thương mại và mở rộng thị trường quốc tế.
 
Để tránh bị "cướp" nhãn hiệu, theo ông Huấn doanh nghiệp cần tránh chủ quan trong việc ký những hợp đồng với nhà nhập khẩu, nhà phân phối ngoại.
CƯỜNG NGÔ