0908.326.779 - 0906.362.707
 

Xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản sạch: Cần giải pháp thiết thực

13/05/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản sạch: Cần giải pháp thiết thực
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về nông sản an toàn, nhiều chuỗi cửa hàng nông sản sạch đã xuất hiện, đặc biệt là tại các khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thực tế, cần có các giải pháp thiết thực hơn để mở rộng thị trường, không chỉ bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân…
Tiện ích, an toàn

Chiều nào chị Nguyễn Quỳnh Trâm, phường Hà Cầu (quận Hà Đông) cũng vào cửa hàng Bác Tôm tại C56-TT9, Khu đô thị Văn Quán (quận Hà Đông) để mua thực phẩm. Theo chị Trâm, cửa hàng đa dạng các loại nông sản, đáng tin cậy, bảo đảm vệ sinh, có nguồn gốc rõ ràng, dù giá cao hơn chợ dân sinh khoảng 30%... 

Thực tế, những năm gần đây, do nhu cầu về nông sản an toàn của người tiêu dùng ngày một tăng nên số lượng cửa hàng kinh doanh nông sản tại các quận, huyện cũng tăng đáng kể. Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng sạch Bác Tôm cho biết, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đến nay hệ thống đã mở 26 cửa hàng tại các quận nội thành và tiếp tục mở thêm.

Tại quận Hà Đông có 62 cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện thương hiệu và hàng chục cửa hàng kinh doanh nông sản quy mô nhỏ. Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông Nguyễn Hữu Thanh cho biết, các cửa hàng nông sản lớn đều là của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, có uy tín lâu năm trong cung cấp thực phẩm an toàn trên thị trường. Những doanh nghiệp này được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép và đưa vào danh sách quản lý. Các cơ sở phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc cung cấp thực phẩm an toàn, có nguồn gốc... 

Các chuỗi cửa hàng nông sản đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về thực phẩm sạch, tuy nhiên việc phát triển các loại hình này còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là công tác quản lý chất lượng nông sản, chiến lược kinh doanh… 

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng, đến nay toàn thành phố có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản do thành phố quản lý; 4.699 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản được cấp phép do các quận, huyện, xã, phường quản lý. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm, nông sản có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, phân phối qua nhiều khâu trung gian, nguồn lực phát triển, trình độ quản lý còn hạn chế.

Chị Đặng Thị Thúy Hằng, chủ cửa hàng nông sản sạch Moomoo Family tại 101 Nguyễn Thị Định, phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) chia sẻ, khó khăn lớn nhất của các cửa hàng nông sản quy mô nhỏ là chưa nhận được hỗ trợ nhiều của các sở, ngành trong liên kết, hỗ trợ nguồn sản phẩm, quảng bá… nên sức tiêu thụ chậm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ trong chứng nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi bởi theo tính toán, để phân tích đa dư lượng một mẫu rau chi phí lên tới 7,5 triệu đồng. Thông thường một tháng, doanh nghiệp phải phân tích 3 mẫu, nếu không được hỗ trợ thì khá khó khăn.

Giải pháp đa chiều

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Bộ NN&PTNT đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, qua đó đã hình thành được hệ thống cửa hàng cung cấp nông sản an toàn cho người tiêu dùng. Để loại hình kinh doanh này phát triển bền vững, các cá nhân, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các quy định về kinh doanh nông sản an toàn. Đồng thời phải xây dựng được chiến lược kinh doanh, dự báo thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa các hình thức phục vụ… để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
 
Chuỗi cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn của Công ty Thực phẩm sạch Big Green luôn thu hút người tiêu dùng.

Chị Bùi Thị Lệ Thủy, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) cũng mong muốn mô hình các cửa hàng nông sản an toàn phát triển vì chúng mang lại tiện ích rõ rệt, tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần quản lý tốt chất lượng sản phẩm và kiểm soát chặt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại chuỗi cửa hàng này.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Dũng Hà (Hà Nội) - một công ty phân phối, cung ứng rất nhiều loại nông sản an toàn, đặc sản từ các tỉnh, thành phố - cho biết, đến nay, công ty mới mở được 2 cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Công ty đang nghiên cứu để tiếp tục xây dựng các chuỗi cửa hàng nên mong muốn có chính sách hỗ trợ cụ thể về mặt bằng, giá cả, giao thương, kết nối...

Trước những kiến nghị trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở và các đơn vị chức năng đang tiến hành nhiều giải pháp để mô hình này phát triển bền vững. Cụ thể, đối với nguồn cung, Hà Nội đã cấp mã tài khoản quản trị cho gần 2.000 doanh nghiệp, cơ sở truy xuất nguồn gốc nông sản nhằm đẩy mạnh ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa; cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho hơn 3.000 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm; cấp mã QR cho 200 dòng sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản của 21 tỉnh, thành phố đang tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Đặc biệt, Hà Nội tập trung mở rộng các chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và duy trì hiệu quả 121 chuỗi đang có. 

Đồng thời, Hà Nội triển khai các chính sách của Nhà nước, thành phố hỗ trợ liên kết sản xuất, đặc biệt thực hiện tốt Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Mặt khác, định kỳ, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với chính quyền cơ sở, tổ chức các buổi tập huấn kinh doanh cho cá nhân, doanh nghiệp để mọi người nắm được những kiến thức cơ bản về điều kiện mặt bằng, cơ sở vật chất, hệ thống bảo quản... của chuỗi cửa hàng. 

Cùng với đó, Sở cũng đề xuất các bộ: NN&PTNT, Công Thương... nghiên cứu chính sách đầu tư về vốn, mặt bằng, chuyển giao khoa học kỹ thuật... cho các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm… nhằm động viên, khuyến khích kịp thời cho các chủ thể tham gia phát triển chuỗi.
ĐỖ MINH