0908.326.779 - 0906.362.707
 

Chuẩn từ đầu mối!

23/04/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Chuẩn từ đầu mối!
Cả nước hiện có 83 chợ đầu mối, chợ đấu giá nông, lâm thủy sản (gọi tắt là chợ đầu mối) chiếm gần 1% tổng số chợ nhưng đang trong tình trạng chung là chưa chuẩn nhìn từ nhiều góc độ: Hạ tầng, chất lượng sản phẩm đến phương thức quản lý.
Thông tư 11/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chợ đầu mối, chợ đấu giá nông, lâm thủy sản - yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm”, có hiệu lực từ ngày 1-4 vừa qua cũng chính là nhằm đặt ra những yêu cầu cụ thể để đưa hệ thống chợ quan trọng này vận hành hiệu quả, an toàn hơn. 
 
Chợ là hoạt động kinh doanh, mang tính xã hội phổ biến hàng đầu trong đời sống, tác động trước mắt lẫn lâu dài tới sức khỏe con người. Chợ đầu mối lại càng có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, mà còn với mạng lưới tiêu thụ của mỗi địa phương cũng như cả nước. Chuẩn từ đầu mối đối với loại hình chợ này chính là để thực hiện thành công phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết người sản xuất với chuỗi bán lẻ lớn. Đưa hệ thống chợ này vào chuẩn còn nhằm bảo đảm nguồn hàng phân phối từ đây đến các chợ dân sinh, chợ truyền thống… rồi đến bàn ăn từng gia đình thực sự an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Với ý nghĩa như vậy, Thông tư trên đặt ra quy định kỹ thuật rất cụ thể với 15 nội dung từ địa điểm, bố trí mặt bằng, kết cấu, nhà vệ sinh... đến quản lý chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm. Thậm chí chi tiết tới cả yêu cầu về nước, nước đá để sơ chế, bảo quản thủy sản. 
 
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải làm sao để những quy chuẩn trong thông tư được áp dụng trong thực tế. 
 
Có 2 khó khăn lớn đối với việc đưa chợ đầu mối vào quy chuẩn. Một là, về khách quan, đa số chợ đầu mối đã quá lạc hậu về hạ tầng cơ sở, nhiều chợ còn không nằm trong quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ nên chỉ có thể xây dựng mới hoàn toàn chứ khó bề cải tạo đáp ứng quy chuẩn. Hai là, thói quen kinh doanh cũ, phương thức quản lý chợ cũng không còn phù hợp khiến việc kiểm soát tốt hàng trăm tấn hàng hóa luân chuyển mỗi ngày thực sự là một thách thức không nhỏ. 
 
Đơn cử như để thực hiện nguyên tắc “truy xuất 1 bước trước - 1 bước sau” đòi hỏi việc lưu giữ thông tin, sổ sách phải thực hiện đúng nhằm nhận diện được cơ sở sản xuất kinh doanh/công đoạn sản xuất trước và sau. Song rõ ràng không phải cơ sở nào cũng thực hiện ngay được. 
 
Vì vậy, trước hết phải xác định, cùng với rà soát hệ thống chợ đầu mối để có kế hoạch xây dựng, cải tạo theo quy hoạch, việc tuyên truyền các nội dung của quy chuẩn chợ đầu mối, cũng như lợi ích của việc áp dụng quy chuẩn này phải được đẩy mạnh tới lực lượng tiểu thương. Đây là nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành liên quan và cả chính quyền địa phương, nhất là những nơi trực tiếp có chợ đầu mối hoạt động trên địa bàn.
 
Tuyên truyền hiệu quả, lực lượng tiểu thương sẽ có những thay đổi về nhận thức và hành vi theo hướng chuẩn bị cho mình các điều kiện hòa nhập với phương thức kinh doanh hiện đại, tuân thủ các điều kiện, tiêu chuẩn, tránh bị động, đi sau… 
 
Đặc biệt, Ban quản lý chợ cũng không thể vận hành theo lối cũ với trình độ chuyên môn hạn chế, phương thức quản lý nặng về tự nhiên chủ nghĩa hoặc lề thói hơn là quy chuẩn, luật pháp. Muốn vậy, lực lượng này cũng cần được hỗ trợ về trang thiết bị, kỹ năng quản lý mới… Trong đó có việc áp dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát hàng hóa, kiểm soát an toàn cháy nổ và nhiều quy định khác.
 
Thực tế, chợ đầu mối đạt chuẩn đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, trở thành một địa chỉ quảng bá nông sản quốc gia, thậm chí còn là điểm thu hút của du lịch. 
 
Chuẩn từ đầu mối đối với loại hình chợ này là xu thế tất yếu, không thể không thực hiện
HÀ AN