0908.326.779 - 0906.362.707
 

Phát triển nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm

10/04/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Phát triển nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm
Trước đòi hỏi về chất lượng nông sản an toàn thực phẩm, cùng với ý thức của người tiêu dùng và nhà sản xuất, kinh doanh, những quy định của pháp luật về lĩnh vực này đang ngày càng được hoàn thiện. Dù vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm để các quy định được thực thi hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện đã có 63 tỉnh, thành phố xây dựng thành công gần 1.250 chuỗi, với 1.450 sản phẩm và gần 3.200 địa điểm bán nông sản đã kiểm soát theo chuỗi. Riêng trong năm 2018, ngành nông nghiệp đã loại bỏ 1.774 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật, 1.052 sản phẩm thuốc thú y, 3.621 sản phẩm phân bón kém chất lượng, không an toàn ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Hiện nay, cả nước đã có hơn 1.800 cơ sở trồng trọt với diện tích hơn 80.000 ha; 500 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích hơn 2.600 ha, hơn 2.800 trang trại và hộ chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương. Để bảo đảm an toàn nông sản thực phẩm, ngành nông nghiệp đang tiếp tục tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, giảm ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nhiều địa phương đã thực hiện tốt các chương trình phối hợp, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, giám sát bảo đảm thực phẩm, trọng điểm là các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm đã quảng bá sản phẩm thông qua bao gói, ghi nhãn, dán tem truy xuất điện tử. Tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng thời gian qua đã đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhất là cho siêu thị lớn. Đồng thời, tổ chức sản xuất theo hướng tập trung an toàn thực phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng; tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Bên cạnh việc phát triển chuỗi, các đơn vị cũng nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra thường xuyên, đột xuất cơ sở sản xuất; kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm, chất độc hại trong sản xuất, chế biến. Theo đó đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản thực phẩm, công tác quản lý, kiểm soát và nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm luôn đặt ra hết sức cấp bách. Do đó, một mặt cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường, thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm. Mặt khác, cần tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tiêu dùng của người dân.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thực phẩm năm 2010. Các quy định sửa đổi, bổ sung này đã có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019. Theo đó, sẽ xây dựng chiến lược quốc gia về an toàn thực phẩm; ban hành chính sách phát triển chợ, siêu thị; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các bộ, ngành và các địa phương. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước những bức xúc đặt ra về an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, tạo hành lang pháp lý bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, hệ thống pháp luật đã và đang ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Đây chính là chỗ dựa quan trọng cho người tiêu dùng, các nhà doanh nghiệp và cơ quan thực thi công vụ, nâng cao trách nhiệm trong công tác an toàn thực phẩm nói chung và nông sản thực phẩm nói riêng

DŨNG MINH