0908.326.779 - 0906.362.707
 

Đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú: Giáo viên không thể vô tâm

27/03/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú: Giáo viên không thể vô tâm
Chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh tại trường luôn là mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh. Vào những thời điểm bùng phát dịch bệnh… trường học là nơi dễ xảy ra lây lan, ảnh hưởng đến HS. Điều đó đòi hỏi Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên chuyên trách… phải tăng cường tinh thần trách nhiệm trong việc ứng phó, đồng thời chủ động giữ gìn sức khỏe cho HS

Bảo đảm từng bữa ăn

Với hàng trăm, hàng nghìn HS học tập và sinh hoạt hàng ngày an toàn vệ sinh trường học luôn được các nhà trường xác định là quan trọng và không thể lơ là.

Cô Nguyễn Hương Giang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thanh Vân (huyện Quản Bạ - Hà Giang) chia sẻ: Với gần 500 HS tại 6 điểm trường và gần 200 HS theo hưởng chế độ bán trú nên công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được nhà trường xác định không được để sai sót và thực hiện giám sát quy trình đầy đủ. Từ khâu chọn nhà cung cấp thực phẩm, nhà trường đưa ra cuộc họp chung và BGH cùng lựa chọn và quyết định. Đơn vị được kí hợp đồng phải đáp ứng đủ những yêu cầu về giấy phép đăng ký kinh doanh; giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời uy tín chất lượng đã được khẳng định…

Khâu tiếp phẩm và kiểm tra thực phẩm hàng ngày đều trải qua các bước với các thành phần từ y tế, nhà bếp, Ban đại diện cha mẹ HS; Ban giám hiệu… Quá trình chế biến thực phẩm có sự kiểm tra thường xuyên với các yêu cầu bảo đảm vệ sinh (găng tay, dụng cụ chế biến, lưu mẫu sau 24 giờ). Nếu xảy ra lỗi sẽ được lưu biên bản để rút kinh nghiệm và xử lý kịp thời.

 

Giáo viên không thể vô tâm vì vô tâm sẽ dẫn đến vô đức và như vậy không thể làm được những điều tốt nhất cho HS. Phải đặt sức khỏe của mỗi HS qua sự đảm bảo an toàn từng bữa ăn bán trú, các điều kiện sinh hoạt, ăn nghỉ tại trường… Khi giáo viên coi học trò như chính con em mình thì chắc chắn ý thức trách nhiệm được nâng cao, giáo dục đạt hiệu quả tốt nhất.

 

Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc - Hiệu trưởng Trường TH Phan Đình Giót (Thanh Xuân - Hà Nội)

Tại Trường TH Thanh Mỹ (xã Thanh Mỹ - Sơn Tây - Hà Nội), vì cơ sở vật chất nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu bếp ăn bán trú nên hơn 300 suất ăn hàng ngày được BGH nhà trường chọn hợp đồng với một trường MN dân lập chế biến và cung cấp. Tuy nhiên, không vì thế mà trách nhiệm giám sát hàng ngày giảm nhẹ.

Cô Khuất Thị Nga - Hiệu trưởng cho biết: Để bảo đảm tối đa an toàn vệ sinh, nhà trường thực hiện thường xuyên các khâu giám sát từ đầu vào thực phẩm, chế biến, chia phần, vệ sinh đồ dùng chế biến… Thời điểm dịch bệnh bùng phát, các khâu giám sát càng sát sao hơn. Nhân viên y tế có biên bản kiểm tra xác nhận cụ thể, rõ ràng; Nếu phát hiện bất thường dù nhỏ nhất cũng yêu cầu chuyển đổi thực phẩm, dừng chế biến. Chú trọng tới khâu kiểm tra vệ sinh bát đũa, đồ dùng chế biến sau quá trình sử dụng…

Cô Khuất Thị Nga cũng khẳng định: Nhà trường không tẩy chay thịt lợn khi có dịch vì những thông tin không đúng khoa học. Điều quan trọng là kiểm tra giám sát nguồn thực phẩm bảo đảm chất lượng, điều chỉnh thực đơn, cách chế biến thực phẩm tươi sống khoa học, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng tới suất cơm của HS.

Tại Trường TH Phan Đình Giót (Thanh Xuân - Hà Nội), từ khâu lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm được BGH nhà trường bàn bạc công khai làm sao tìm được đơn vị uy tín nhất về chất lượng. Mọi thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm; Giấy phép kinh doanh; Tên tuổi, số điện thoại đơn vị cung cấp thực phẩm được niêm yết trên bảng tin nhà trường để PHHS có thể kiểm tra bất kì lúc nào.

Chất lượng, số lượng nhập có sự kiểm tra đối khớp thực tế hàng ngày với đầy đủ các thành phần (Ban đại diện PHHS, Công đoàn trường, Y tế, GV trực thực phẩm, bộ phận bếp, BGH) từ lúc 6 giờ 30 sáng khi thực phẩm đưa tới bếp nấu. BGH kiểm tra hàng ngày sổ theo dõi bán trú của giáo viên với các nội dung nhận xét về chất lượng thức ăn, vệ sinh bát đũa, mong muốn của HS về món ăn…

Nơi gửi trọn niềm tin

“Nhà trường phải là nơi PHHS gửi trọn niềm tin” - Đó là khẳng định của cô Nguyễn Thị Kim Ngọc - Hiệu trưởng Trường TH Phan Đình Giót (Thanh Xuân - Hà Nội) khi nói về việc bảo đảm sức khỏe cho HS tại trường. Với sĩ số khá đông 2.200 HS theo học và 2.000 HS ăn bán trú tại trường, nên từ chủ trương đến hành động trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh trường học đầy quyết liệt.

Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc cũng cho biết: “Việc bảo đảm an toàn vệ sinh trường học, đặc biệt an toàn vệ sinh thực phẩm được nhà trường chú trọng từ đầu năm học chứ không phải có dịch bệnh mới làm. Thời điểm dịch bệnh thì chúng tôi càng tăng cường hơn khâu kiểm tra giám sát nguồn gốc, chế biến, điều chỉnh thực đơn cho phù hợp với mong muốn của phụ huynh và đảm bảo sức khỏe cho HS. Dù giá thành cao hơn, nhưng nhà trường quyết định chọn những thực phẩm có nguồn gốc sạch và an toàn (thịt lợn sạch, rau hữu cơ…).

Thực tế cho thấy, ý thức trách nhiệm của BGH, GV nhiều trường học đã được phát huy tối đa thông qua sự chuẩn bị các điều kiện an toàn vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm, tinh thần chủ động phòng tránh dịch bệnh, tăng cường trách nhiệm của BGH, giáo viên… đã đảm bảo tốt cho sức khỏe HS.

Trường cũng không né tránh, thậm chí hoan nghênh các đoàn kiểm tra đến trường thường xuyên, hoặc đột xuất. Bất kỳ sự lưu ý, hướng dẫn nào… để đảm bảo vệ sinh tốt hơn, tăng cường sức khỏe cho HS chúng tôi đều tiếp thu và điều chỉnh. Càng có sự kiểm tra gắt gao thì giáo viên, nhân viên bếp, y tế nhà trường… nâng cao trách nhiệm với công việc và học trò”.

Cô Nguyễn Hương Giang - Hiệu trưởng Trường TH xã Thanh Vân cũng khẳng định, việc bảo đảm an toàn vệ sinh trường học là trách nhiệm của nhà trường. Tuy nhiên, để bảo đảm tốt nhất thì chúng tôi luôn kêu gọi sự phối hợp của PHHS. BGH phát huy tinh thần dân chủ từ đầu năm học, chủ động mời Ban đại diện PHHS cùng nhà trường tham gia kiểm tra, đánh giá, góp ý… từng bữa ăn, chỗ nghỉ, các điều kiện sinh hoạt bán trú HS. Và sự kết hợp này đã mang lại hiệu quả tối đa” - cô Giang chia sẻ

Đức Trí