0908.326.779 - 0906.362.707
 

Doanh nghiệp thực phẩm Nhật đối thoại với các cơ quan quản lý Việt Nam

22/03/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Doanh nghiệp thực phẩm Nhật đối thoại với các cơ quan quản lý Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho biết vẫn còn một số bất cập trong chính sách cũng như quá trình thực thi cần được tháo gỡ kịp thời

Các thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành đã được cải cách theo hướng tích cực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài; trong đó, có doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập trong chính sách cũng như quá trình thực thi cần được tháo gỡ kịp thời.

Đây là nhận định của các doanh nghiệp Nhật Bản tại “Cuộc họp liên lạc về thực phẩm” do Tổ chức xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20/3. 

Ông Nakagawa, Luật sư của JETRO cho biết, thông qua các “Cuộc họp liên lạc về thực phẩm” hàng năm, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản đã được các Bộ, ngành Việt Nam xem xét và điều chỉnh theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp. 

Điển hình như quy định về việc công bố sản phẩm hợp quy, theo quy định cũ, tất cả các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, phân phối vào thị trường Việt Nam đều phải làm thủ tục công bố sản phẩm và được cơ quan chức năng của Việt Nam xác nhận. Điều này không chỉ làm mất thời gian mà còn phát sinh thêm nhiều chi phí cho doanh nghiệp. 

Hiện nay, phía Việt Nam đã điều chỉnh từ điều kiện bắt buộc sang thành khuyến cáo; theo đó, các doanh nghiệp có thể tự làm hồ sơ công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm với thông tin đã công bố. Sự điều chỉnh này được các doanh nghiệp đánh giá cao vì giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như tăng tính chủ động trong nắm bắt cơ hội kinh doanh của họ.

Ông Lý Hoài Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VI trả lời doanh nghiệp Nhật Bản tại cuộc họp. Ảnh: Xuân Anh –TTXVN

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định chưa được rõ ràng dẫn đến bất cập trong việc thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực thực phẩm như: nội dung bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sản phẩm bột mì, tần suất và thời hạn kiểm dịch động thực vật chưa được rõ ràng, kết quả kiểm định chất lượng ở các đơn vị được chỉ định không đồng nhất. 

Cụ thể, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, quy định bắt buộc phải bổ sung vi chất vào bột mì là không hợp lý trong trường hợp các sản phẩm này được sản xuất để xuất khẩu vào những thị trường không yêu cầu bổ sung vi chất.

Trong khi đó, để bổ sung vi chất vào một số sản phẩm, doanh nghiệp phải thay đổi máy móc, công nghệ vận hành sản xuất, tốn rất nhiều chi phí.

Do đó, các doanh nghiệp mong muốn được xem xét điều chỉnh nội dung này theo hướng khuyến cáo và áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. 

Về tần suất và thời hạn kiểm dịch động vật, nhiều doanh nghiệp phản ánh việc lấy mẫu không được tuân thủ một cách đầy đủ theo quy định hiện hành như doanh nghiệp không được giao bản ghi nhớ về việc trả mẫu hoặc mẫu không được trả lại.

Ngoài ra, có những trường hợp lấy mẫu với lượng nhiều hơn mức cần thiết hoặc lấy mẫu từ bộ phận có giá trị lớn một cách không cần thiết, tạo ra gánh nặng lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu. 

Giải đáp những vướng mắc này, ông Lý Hoài Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục thú y vùng VI cho biết, các quy định về tần suất và thời hạn lấy mẫu kiểm dịch động vật đã được điều chỉnh. Theo đó, việc thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành được dựa trên cơ chế quản lý rủi ro đối với từng nhóm mặt hàng. 

Với nhóm sản phẩm có nguy cơ rủi ro cao như: thủy sản đông lạnh trước đây yêu cầu lấy mẫu trên 100% các lô hàng thì sắp tới sẽ điều chỉnh lấy mẫu 3 lô hàng liên tiếp, nếu không phát hiện vi phạm thì cứ 5 lô hàng tiếp theo chỉ lấy mẫu 1 lô (tương đương giảm 80% tần suất lấy mẫu)…

Ông Nakagawa, Luật sư đại diện cho các doanh nghiệp Nhật Bản trình bày các vướng mắc tại cuộc họp. Ảnh: Xuân Anh –TTXVN

Một vấn đề khác được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phản ánh với JETRO là việc xác định trị giá hải quan hiện nay chưa có cơ sở thuyết phục. Một số doanh nghiệp kê khai giá trị hàng hóa nhập khẩu thì không được phía hải quan Việt Nam công nhận mà yêu cầu làm hồ sơ tham vấn.

Việc thực hiện hồ sơ tham vấn trị giá hải quan thường kéo dài trong nhiều ngày, ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. 

Đối với nội dung trên, ông Đào Duy Tám, Trưởng phòng Giám sát quản lý, Tổng Cục Hải quan khẳng định, việc yêu cầu tham vấn trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chỉ áp dụng với các trường hợp cơ quan hải quan nhận thấy giá trị hàng hóa mà doanh nghiệp khai báo thấp hơn một cách bất thường so với các sản phẩm tương tự đã được doanh nghiệp khác nhập khẩu trước đó.

Việc xác định trị giá hải quan được dựa trên các phương pháp cụ thể, tuân theo công ước Hải quan quốc tế nhằm đánh giá đúng giá trị thực tế của hàng hóa và không ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của doanh nghiệp. 

Ông Takimoto Koji, Trưởng văn phòng đại diện JETRO tại Tp. Hồ Chí Minh đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan quản lý Việt Nam trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc lắng nghe, tháo gỡ các vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp cũng như điều chỉnh các quy định theo hướng có lợi hơn cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, giữa việc ban hành chính sách với việc thực thi trong thực tế vẫn còn một số bất cập nảy sinh. Do đó, doanh nghiệp mong muốn các Bộ, ngành Việt Nam nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi chính sách, đảm bảo sự thống nhất và công bằng cho các doanh nghiệp khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Ngược lại, JETRO cũng khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản thường xuyên cập nhật và tuân thủ một cách đầy đủ các văn bản, quy định pháp luật của Việt Nam để đảm bảo những lợi ích lâu dài trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản./.

Xuân Anh/TTXVN