0908.326.779 - 0906.362.707
 

240 tỷ đồng triển khai xây dựng mỗi xã một sản phẩm

28/02/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
240 tỷ đồng triển khai xây dựng mỗi xã một sản phẩm
Chiều 26/2, UBND tỉnh tiếp tục họp phiên họp thường kỳ tháng 2 để xem xét cho ý kiến một số vấn đề quan trọng như xây dựng mỗi xã một sản phẩm, quy định giá nước sinh hoạt nông thôn, giá nước đô thị…
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. 
Theo đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2030”hiện cả tỉnh có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế trong các lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, thuộc 6 nhóm sản phẩm gồm: thực phẩm (có 121 sản phẩm), đồ uống (15 sản phẩm), thảo dược (13 sản phẩm); vải và may mặc (11 sản phẩm), lưu niệm - nội thất - trang trí (16 sản phẩm), dịch vụ du lịch nông thôn (6 sản phẩm).
Tuy nhiên, mới có 49 sản phẩm có đăng ký hoặc công bố tiêu chuẩn chất lượng (chiếm 26,9%); có 32 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (chiếm 17,6%). 
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Trân Châu
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Nghệ An còn hẹp, chủ yếu trong tỉnh, trong nước, chỉ có một số ít sản phẩm xuất khẩu. Mặt khác, việc xác định sản phẩm lợi thế còn lúng túng; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế...
Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu tầm quan trọng của việc triển khai đề án xây dựng mỗi xã một sản phẩm. Ảnh: Trân Châu
Mục tiêu cụ thể của đề án xây dựng mỗi xã một sản phẩm ở Nghệ An giai đoạn 2019 - 2020 là xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã; Ban hành và áp dụng chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả OCOP trên địa bàn tỉnh; Tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có (tương đương khoảng 90 sản phẩm), tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh; Phát triển từ 2 - 3 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia OCOP; Phát triển ít nhất 3 sản phẩm đạt hạng 5 sao (có thể xuất khẩu)… Nguồn vốn ngân sách tỉnh dự kiến dành cho chương trình là khoảng 240 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Sản phẩm địa phương của Nghệ An rất lớn, khi triển khai đề án sẽ tạo ra quỹ sản phẩm chủ lực, xuất khẩu tốt hơn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững hơn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, trong các giải pháp, công tác tuyên truyền về OCOP được xác định là quan trọng, do vậy các địa phương cần tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về chương trình OCOP.

Dâu tằm tơ - một sản phẩm lợi thế của xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu. Ảnh: Trân Châu
Về vấn đề này, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đây là chương trình phát triển kinh tế không những phù hợp với thực tiễn trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn mà còn ở cả đô thị, do đó, việc triển khai Chương trình không chỉ bó hẹp ở khu vực nông thôn, ở các xã đã về đích NTM.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cho rằng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm  là một chủ trương rất đúng của Trung ương, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát triển kinh tế bền vững nông thôn, phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng NTM bền vững.

Về đề án triển khai chương trình của tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các các ngành cần phối hợp để khai thác thêm các nguồn vốn quốc tế để thực hiện tốt hơn. Ngoài nguồn vốn ngân sách, cần huy động thêm vốn từ cộng đồng, vốn tín dụng.

UBND tỉnh cũng thống nhất thông qua tờ trình của Sở Tài chính đề nghị ban hành Quyết định Quy định giá tiêu thụ sản phẩm nước sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An; thông qua tờ trình ban hành Quyết định quy định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2019 trên địa bàn Nghệ An

Trân Châu