Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố rất chú trọng công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất,
chế biến,
kinh doanh thực phẩm,
dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tuy nhiên, hiện nay trong cộng đồng, các tiệc ma chay, hiếu hỷ, tổ chức các sự kiện với số lượng lên tới hàng trăm người tham gia khá phổ biến. Thế nhưng, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm tại những bữa cỗ tập trung đông người này vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội lo ngại, ở khu vực ngoại thành, các bữa cỗ tập trung đông người hầu hết do gia đình tự nấu hoặc thuê đội nấu cỗ lưu động không có đăng ký kinh doanh hành nghề, không có giấy khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp tham gia chế biến, thực phẩm sử dụng được mua trôi nổi, khó kiểm soát nguồn gốc, điều kiện cơ sở vật chất nơi chế biến cỗ thường tạm bợ, thiết bị
dụng cụ chế biến không bảo đảm vệ sinh. Ngoài ra, đội ngũ trực tiếp nấu cỗ, phục vụ thường làm việc theo mùa vụ, không có kiến thức, không được tập huấn… “Nếu chẳng may xảy ra ngộ độc thực phẩm sẽ rất khó truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân để có hướng xử lý. Đây là một khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người”, ông Trần Ngọc Tụ cho biết.
Trước thực trạng đó, từ năm 2016 đến năm 2018, Hà Nội đã thực hiện thí điểm kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người tại 10 quận, huyện, thị xã: Long Biên, Quốc Oai, Thanh Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Thường Tín, Phúc Thọ, Thanh Trì và Sơn Tây. Bà Hoàng Thị Minh Thu cho rằng, sau khi thí điểm triển khai quản lý an toàn thực phẩm bữa cỗ đông người đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của người dân được nâng lên, chính quyền địa phương vào cuộc tích cực hơn. Qua giám sát hơn 11.000 bữa cỗ, có trên 85% bữa cỗ có nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm rõ ràng; 89,5% thực phẩm sống, chín được bảo quản riêng biệt; 93,8% thức ăn được bày trên bàn cao có phương tiện che chắn; 100% bữa cỗ sử dụng phụ gia chế biến thực phẩm nằm trong mục cho phép của Bộ Y tế. Đặc biệt, tại những quận, huyện triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm, bữa cỗ tập trung đông người không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Tăng cường giám sát, kiểm tra
Trong năm 2019, cùng với việc tiếp tục duy trì mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người ở 10 quận, huyện, thị xã, Hà Nội sẽ có thêm 5 huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Ứng Hòa, Gia Lâm, Đông Anh triển khai mô hình này.
Theo bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, khi tham gia mô hình này, huyện đã xây dựng kế hoạch, thành lập tổ giám sát tư vấn các điều kiện an toàn thực phẩm tại 24/24 xã, thị trấn. Thành phần tham gia tổ giám sát gồm: Cán bộ trạm y tế, y tế thôn, trưởng thôn, đại diện hội phụ nữ… Nhiệm vụ của tổ giám sát là rà soát, phát hiện, thu nhận thông tin từ các cơ quan, đơn vị, trường học, các hộ gia đình có tổ chức bữa cỗ tập trung đông người. Sau đó, vận động các đơn vị ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, tổ chức tư vấn giám sát các điều kiện an toàn thực phẩm tại nơi nấu cỗ, ghi chép nguồn gốc thực phẩm, lưu mẫu thực phẩm. Mỗi xã, thị trấn giám sát, hỗ trợ tư vấn cho ít nhất 60 bữa cỗ từ khâu kiểm soát nguyên liệu thực phẩm đầu vào đến quá trình chế biến và tổ chức ăn uống, bảo quản, vận chuyển thức ăn.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Tám, để triển khai mô hình kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người một cách hiệu quả, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó các cấp chính quyền phát huy thật tốt vai trò chỉ đạo. Mặt khác, tăng cường phối hợp trong công tác an toàn thực phẩm giữa y tế và các ban, ngành, đoàn thể, y tế thôn…
Ông Trần Ngọc Tụ cho rằng, trong thời gian tới, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại những bữa cỗ tập trung đông người sẽ được tăng cường. Cụ thể, tuyến thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn hằng quý. Tuyến quận, huyện, thị xã phối hợp xã, phường, thị trấn tư vấn, giám sát các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại gia đình tổ chức bữa cỗ; kiểm tra, giám sát các cơ sở nấu cỗ lưu động trên địa bàn hằng tháng, hằng quý. Cùng với đó là tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh trong chế biến, bảo quản thức ăn, không sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm diễn ra tại cộng đồng