0908.326.779 - 0906.362.707
 

Vi phạm an toàn thực phẩm: Phạt ai, ai phạt?

22/10/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Vi phạm an toàn thực phẩm: Phạt ai, ai phạt?
Nếu căn cứ các quy định về an toàn thực phẩm theo Nghị định 115 - có hiệu lực từ hôm nay, 20-10 - thì hầu hết các quán ăn đường phố đều bị xử phạt, thậm chí tịch thu, cấm bán

Nghị định 115/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực từ ngày 20-10 có mức xử phạt mạnh hơn với nhiều vi phạm. Trong đó, nhiều nội dung liên quan đến việc kinh doanh thức ăn đường phố. Cụ thể, các chủ cửa hàng sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với các hành vi: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Mới nghe lần đầu!

Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động ngày 19-10, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, thức ăn đường phố bày bán tràn lan, hầu hết không được che đậy. Dù vậy, nhiều người bán hàng đã có ý thức dùng bao tay, găng tay khi lấy thức ăn cho khách.

Tại gánh bún đậu của chị Nguyễn Thị X. ở phố Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, khách vây quanh, ăn uống ngon lành. Dù lấy thực phẩm cho khách, chị X. đã đeo găng tay ni-lông cẩn thận song những miếng đậu rán vàng vẫn được phơi giữa không gian nhiều bụi bẩn.

Chị X. tỏ ra khá bất ngờ về mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với các hành vi không che đậy thức ăn. "Cả ngày buôn bán, tiền vốn lẫn lãi chả đủ 1 triệu đồng, nếu phạt như thế có khi tôi bỏ của chạy lấy người. Nhưng đã là quy định thì mình cố gắng chấp hành. Ngày mai tôi sẽ kiếm tấm bìa che chắn cẩn thận" - chị X. nói.

Trong khi đó, theo ghi nhận tại nhiều điểm bán thức ăn ở TP HCM, phần lớn người trực tiếp nấu, múc thức ăn cho khách đều không sử dụng bao tay. Thậm chí, nhiều người vừa bốc thức ăn bằng tay trần vừa cầm tiền, rất mất vệ sinh.

Chẳng hạn, tại quán bún bò Huế ở chợ Đo Đạc, quận 2, bà chủ chỉ mặc chiếc tạp dề trong khi cả hai tay đều không đeo găng, liên tục bóc thịt, rau cho vào tô. Khi khách trả tiền, bà cũng dùng tay vừa cầm tiền và xốc cả hộp tiền để tìm tờ mệnh giá lẻ thối cho khách.

Bà Lê Thị Tuyến - bán hủ tiếu tại chợ Thái Bình, quận 1 - cho biết phải cố gắng đội chụp đầu, mang tạp dề, đeo bao tay để vừa bảo đảm vệ sinh vừa giữ khách. "Mang những thứ này trên người rất khó chịu, vướng víu nhưng vẫn cố gắng" - bà Tuyến bày tỏ.

Nhiều người bán thức ăn vỉa hè trên địa bàn TP HCM cho biết chưa thấy ai tuyên truyền cũng như nhắc nhở về việc giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm nên những quy định cũng như mức phạt trong Nghị định 115 họ mới nghe lần đầu. Ông Hùng - bán cháo lòng gần khu vực chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh - giải thích: "Chắc do tôi bán buổi tối nên cơ quan chức năng không biết tôi là ai và quên luôn cũng nên".

Vi phạm an toàn thực phẩm: Phạt ai, ai phạt? - Ảnh 1.

Nhiều gánh thức ăn đường phố vẫn còn “phơi” giữa bụi bặm. Ảnh: NGỌC DUNG

Khó quản nhưng không bỏ ngỏ

Theo ông Trần Văn Châu, Trưởng Phòng Công tác thanh tra Cục ATTP - Bộ Y tế, thức ăn đường phố luôn được ưa chuộng. Để đưa loại hình kinh doanh dịch vụ này vào khuôn khổ là không hề đơn giản, song không vì thế mà bỏ ngỏ việc quản lý.

Tuy nhiên, để người dân hiểu và thực hiện các quy định về kinh doanh ATTP, trước hết cần tuyên truyền, vận động người bán tuân thủ quy định; sau đó là vận động người tiêu dùng có ý thức "tẩy chay" thực phẩm bẩn.

Đề cập tính khả thi của quy định mới, ông Châu cho rằng việc Nghị định 115 loại bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo mà chỉ quy định phạt tiền sẽ có sức răn đe mạnh mẽ hơn. "Tôi cho rằng mức phạt này là vừa phải, đủ mức răn đe. Nếu người bán không muốn bị xử phạt thì họ phải bổ sung những điều kiện mình thiếu để tránh bị phạt" - ông Châu nhấn mạnh.

Theo ông Châu, một trong những quy định được cho là khó thực hiện là "sử dụng vật liệu bao gói phải đạt ATTP". Bởi theo quy định, người bán thực phẩm phải tự công bố rằng đồ bao gói của mình là hợp vệ sinh nhưng yêu cầu bà bán xôi, bán bánh rán, bánh ngô tự công bố bao gói của mình là rất khó.

Nhắc nhở trước, xử phạt sau

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Sở Y tế Hà Nội, cho biết việc xử phạt sẽ phải thực hiện theo quy định nhưng để thuận lợi, trước mắt, người kinh doanh sẽ được tuyên truyền, nhắc nhở. Nếu họ vẫn cố tình vi phạm thì sẽ phạt nặng.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP HCM, nhận định các quy định xử phạt về thức ăn đường phố rất cụ thể và "ấn tượng" về mức phạt. Tuy nhiên, khi áp dụng vẫn phải tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở ban đầu chứ không thể phạt ngay. Chỉ những người cố tình vi phạm mới bị xử phạt để răn đe. Thực tế tại TP HCM, nhất là ở các quận trung tâm, phần lớn người kinh doanh thức ăn đường phố đã đeo găng tay khi tiếp xúc thực phẩm, cho thấy ý thức của người dân đã tăng lên.

 

Trong khi đó, theo một cán bộ ATTP tuyến quận tại TP HCM, cơ quan này vẫn đang tổ chức tập huấn Nghị định 115 cho cán bộ phụ trách địa bàn và người dân nên chưa triển khai xử phạt từ ngày 20-10. "Đối với các hành vi như không đeo khẩu trang, găng tay khi tiếp xúc thực phẩm, trước giờ chủ yếu chỉ xử phạt các cơ sở có địa điểm kinh doanh cố định, chưa phạt được hàng rong. Bây giờ đã có quy định phạt hàng rong nhưng mức phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng là quá cao, nhiều người sẽ không có tiền đóng phạt nên rất khó thực thi quyết định" - vị cán bộ này nhận xét.

Cũng như vậy, nhiều địa phương khác cho biết sẽ tuyên truyền nhắc nhở trước, xử phạt sau để bảo đảm người dân không bị bất ngờ. Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng, cho rằng mức phạt của nghị định này rất nặng nên không thể nói phạt là phạt ngay, nhất là đối với các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, các xe bán hàng đường phố. "Chúng tôi xác định phải tuyên truyền mạnh, dĩ nhiên sai thì vẫn phải xử phạt. Đầu tiên là xử phạt những hành vi nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng như sử dụng hóa chất công nghiệp trong kinh doanh thực phẩm, dùng động vật chết… Vài trường hợp phạt điển hình và tuyên truyền mạnh sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân" - ông Hải chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: "Lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Thanh tra Sở Y tế vừa đi tập huấn về Nghị định 115. Hai cơ quan này sẽ chủ trì lập kế hoạch, sau đó triển khai thực hiện". Còn theo bác sĩ Trần Trường Chinh, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ, sắp tới, sở sẽ tổ chức hội nghị để tập huấn cho cán bộ hiểu về nghị định mới này. 

Không thấy... xử phạt!

Theo Nghị định 52/2012 quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC, từ ngày 5-8-2012, người sử dụng điện thoại di động ở cây xăng sẽ bị phạt tới 5 triệu đồng. Tuy nhiên, hình ảnh này không khó bắt gặp ở các trạm xăng.

Cũng tại nghị định này, hành vi bố trí nơi đun nấu, thờ cúng không bảo đảm an toàn về PCCC sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, không thể vào nhà từng người dân để kiểm tra, trong khi hầu hết người dân không biết có quy định này.

Quyết định 1315 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2010. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có ai bị xử phạt và người dân thì vẫn vô tư hút thuốc mọi lúc, mọi nơi.

Theo điều 9 Nghị định 46, từ ngày 1-8-2016, người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định, vượt dải phân cách... sẽ bị phạt hành chính từ 50.000-200.000 đồng. Tuy nhiên, đến nay, hầu như chưa có ai bị xử phạt với vi phạm này...

 

. Ông TRẦN VĂN CHÂU, Trưởng Phòng Công tác thanh tra Cục ATTP - Bộ Y tế:

Kỳ vọng sự tự giác

Những người xây dựng nghị định hy vọng việc tuyên truyền về Nghị định 115 sẽ khiến người bán hàng thay đổi hành vi. Thực tế thời gian qua, người bán hàng rong đã có sự thay đổi nhất định, đơn cử là họ đã có ý thức sử dụng găng tay ni-lông khi bốc thực phẩm cho khách hàng. Ngoài ra, quy định về việc người bán không có bệnh truyền nhiễm cũng khó kiểm tra nhưng cơ quan chức năng sẽ không phạt họ vì hành vi không có giấy khám sức khỏe mà tuyên truyền, yêu cầu họ ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe cho chính mình và khách hàng.

. PGS-TS PHẠM KHÁNH PHONG LAN, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP HCM:

Coi chừng bị kiện

Về hành vi "không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín, thức ăn ngay" bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, theo tôi là phần viết luật không chính xác. Bản chất vấn đề là nhằm giữ vệ sinh nên nếu người bán không mang găng tay nhưng sử dụng kẹp gắp vẫn được hoặc nếu người bán có sử dụng bao tay nhưng vừa bốc thức ăn vừa thối tiền vẫn bị phạt. Do quy định không rõ nên cơ quan thực thi khi áp dụng phải uyển chuyển, phù hợp thực tế để phục vụ mục đích chung là bảo đảm ATTP cho cộng đồng. Dù làm vậy có thể gánh rủi ro về pháp lý, có thể dẫn đến kiện tụng nếu chiếu theo chữ nghĩa ghi trong luật.

. Ông NGUYỄN VĂN ĐANG, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh Gia Lai:

Quy định rõ, dễ thực hiện

Nghị định 115 tương đối rõ ràng, cụ thể và dễ áp dụng. Ngay cả đối với loại hình thức ăn đường phố cũng được quy định cụ thể. So với Nghị định 118 trước đó, nghị định này đã khắc phục được những khuyết điểm. Nghị định 118 có nhiều vấn đề còn quy định chung chung, chưa rõ ràng thì Nghị định 115 phân định rất cụ thể, chi tiết nên rất dễ áp dụng.

NHÓM PHÓNG VIÊN