0908.326.779 - 0906.362.707
 

Không cảnh cáo, vi phạm an toàn thực phẩm sẽ bị phạt tiền

08/10/2018    4.91/5 trong 32 lượt 
Không cảnh cáo, vi phạm an toàn thực phẩm sẽ bị phạt tiền
Thay vì cảnh cáo, nhắc nhở theo Nghị định số 115/2018 vi phạm an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 100 triệu đồng với cá nhân, 200 triệu đồng với tổ chức

Ngày 4/9 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 10 năm 2018 và thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP.

Nghị định số 115/2018/NĐ-CP gồm 04 chương, 39 điều, Nghị định này quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm răn đe hơn.

Theo đó Nghị định quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, đồng thời tăng mức phạt tiền ở các hành vi. Cụ thể, với cá nhân khi vi phạm an toàn thực phẩm bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng, với tổ chức mức xử phạt lên đến 200 triệu đồng.

Cụ thể, Về mức xử phạt, Nghị định quy định phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa hoặc nhiễm một trong các kim loại nặng, chất độc hại vượt giới hạn cho phép.

khong-co-canh-cao-vi-pham-an-toan-thuc-pham-se-bi-phat-tien
Nghị định số 115/2018 vi phạm an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 100 triệu đồng với cá nhân, 200 triệu đồng với tổ chức. Ảnh chụp màn hình

Sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 50 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;...

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.

Theo đó, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (quy định hiện hành là 300.000 - 500.000 đồng) đối với một trong các hành vi kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm sau:

Không có bàn, tủ, thiết bị, dụng cụ,…đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn, thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.

Phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, chứa đựng trực tiếp thực phẩm không bảo đảm an toàn, người đang mắc bệnh mà theo quy định không được trực tiếp kinh doanh thức ăn, sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống…

Ngoài ra bổ sung mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm,  tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm.

Ngoài ra còn có hình phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.

Nghị định số 115/2018/NĐ-CP có 1 điều quy định về hậu kiểm (Điều 38) nhằm phù hợp với phương thức quản lý thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP).

Hoàng Linh