0908.326.779 - 0906.362.707
 

Tìm cơ hội từ dư địa lớn của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm

21/09/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Tìm cơ hội từ dư địa lớn của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm
Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.

Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển. Tuy nhiên, để duy trì bền vững cần có sự đầu tư vào công nghệ chế biến, quản lý tốt chuỗi cung ứng và xây dựng được thương hiệu cho từng sản phẩm.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư phát triển ngành thực phẩm Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19/9. 

Nhiều dư địa phát triển 

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu. 

Với thị trường tiêu thụ nội địa, Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, được đánh giá là một trong những khu vực có nhu cầu tiêu thụ thực phẩm lớn ở Động Nam Á. Giá trị tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam ước tính khoảng 15% GDP, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến trong 5 năm gần đây đã tăng trung bình 9,68%/năm, tiêu thụ đồ uống cũng tăng trung bình 6,66%/năm. 

Còn theo dự báo của hãng BMI Research, trong giai đoạn 2015 -2020, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm là 10,9%. 

Theo ông Vũ Bá Phú, bên cạnh việc đầu tư để khai thác thị trường nội địa, tiềm năng khai thác và chế biến thực phẩm của Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài cũng rất rộng mở. 

Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước xuất khẩu gạo, cá phê, hạt điều, hồ tiêu lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 của nhóm ngành nông, thủy sản ước đạt 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng tốt như rau quả đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ 2017; thủy sản đạt đạt gần 4 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ 2017. 

Các mặt hàng nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 100 nước trên thế giới; trong đó có nhiều quốc gia có yêu cầu cao về chất lượng. 

Ông Stephen Liang, Đại diện Cục Xúc tiến mậu dịch Hong Kong (Trung Quốc) cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thể phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Đầu tiên đó là nguồn nguyên liệu dồi dào từ hoạt động sản xuất nông nghiệp với nhiều nông sản có chất lượng, giá trị cao. 

Thêm vào đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ hội nhập nhanh vào kinh tế thế giới thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Các hiệp định này đã và đang mở ra thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm Việt Nam nói riêng. Vì vậy rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và mong muốn tham gia đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam để phục vụ xuất khẩu. 

Giải pháp phát triển bền vững 

Ông Vũ Bá Phú cho biết, công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong những nhóm ngành công nghiệp được Chính phủ Việt Nam lựa chọn ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. 

Theo đó, Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư phát triển ngành theo hướng nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến. Từ đó xây dựng thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thực phẩm Việt Nam. 

Ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Intracom cho rằng, Việt Nam có nền tảng kinh tế là sản xuất nông nghiệp, đây chính là cơ sở và điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, thực tế ngành chế biến thực phẩm Việt Nam hiện chưa phản ánh đúng khả năng và lợi thế vốn có. 

Để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm bền vững cần có sự đầu tư bài bản vào sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm

Muốn vậy, cần có sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khâu sản xuất đến chế biến sau thu hoạch; trong đó, các nhà đầu tư có nguồn lực tài chính và kinh nghiệm có vai trò dẫn đầu, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, các startup nông nghiệp cùng phát triển, tạo nên mạng lưới sản xuất, chế biến thực phẩm chất lượng cao, tiệm cận với ngành chế biến thực phẩm của thề giới. 

Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cấp dây chuyền công nghệ, học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển để giảm thiểu mức độ lãng phí nguyên liệu trong khâu chế biến thực phẩm. Về phía nông dân, phải có ý thức và quyết tâm thực hiện sản xuất sạch theo các tiêu chuẩn cụ thể, đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. 

Tiến sĩ Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh thì cho rằng, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phải nhanh chóng áp dụng công nghệ vào quản trị sản xuất, truy xuất nguồn gốc, bất kể đó là doanh nghiệp nhỏ hay lớn nhằm kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. 

Theo phân tích của Tiến sĩ Đào Hà Trung, vấn đề mà người tiêu dùng hiện nay quan tâm chính là thông tin, sự an toàn của thực phẩm. Điều kiện tiên quyết để duy trì sự phát triển của doanh nghiệp ngành thực phẩm là niềm tin của người tiêu dùng. 

Trong bối cảnh đó, truy xuất nguồn gốc chính là giải pháp hiệu quả cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp nhỏ, startup (khởi nghiệp) cũng nên mạnh dạn đầu tư hệ thống truy xuất nguồn gốc ngay từ đầu, vì việc sử dụng công nghệ cao hiện nay không khó và cũng không quá đắt nhưng những sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin sẽ nhận được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. 

Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Xuân Đà, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia chia sẻ, một trong những thách thức lớn nhất của thế giới hiện nay là an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng đây cũng là vấn đề khó quản lý nhất vì đòi hỏi sự kiểm soát của cả chuỗi cung ứng. 

Do đó, muốn phát triển và xây dựng được thương hiệu, uy tín cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, trước tiên phải đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm. Vì vậy, cần có giải pháp cho toàn bộ chuỗi theo các nguyên tắc tiêu chuẩn hóa việc xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cụ thể, minh bạch hóa thông tin thông qua truy xuất nguồn gốc và hệ thống hóa khâu tổ chức sản xuất. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần đầu tư xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thực phẩm chế biến thông qua việc gia tăng hàm lượng chế biến, nâng cao giá trị cho các sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để thực phẩm Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng thế giới

Xuân Anh/TTXVN