Mua bằng... niềm tin
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, thị trường
bánh trung thu “handmade” năm nay rất đa dạng chủng loại, kiểu dáng, màu sắc cho tới giá cả. Mỗi chiếc bánh có trọng lượng 100 gram, có giá từ 15.000 đồng đến 50.000 đồng/chiếc; bánh có trọng lượng 150-200 gram có giá từ 25.000 đồng đến 80.000 đồng/chiếc, tùy loại nhân.
Đặc biệt, trung thu năm nay, ngoài những chiếc bánh nhân truyền thống, còn có sự xuất hiện của những chiếc bánh nhân “đẳng cấp” như: Nhụy hoa nghệ tây, vi cá,
yến sào, bào ngư, tỏi đen… cùng với quảng cáo có nhiều tác dụng bổ dưỡng cho cơ thể, làm đẹp, tốt cho tim mạch và huyết áp, trẻ hóa làn da, chống lão hóa… Những loại bánh này được bán với giá từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng/chiếc 150-200 gram kèm theo hộp khá sang trọng.
Chị Nguyễn Hà Thương (ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) - chủ một tiệm bánh trung thu “handmade” online cho biết, không ít khách hàng “ruột” từ nhiều năm nay chỉ thích mua bánh ở đây vì tin tưởng bánh được làm thủ công, nguyên liệu sạch, nhân bánh tự làm và làm ngay trong ngày nên không lo chứa chất bảo quản, hương liệu. Năm nay, số lượng bánh trung thu “handmade” được bán ra so với cùng thời điểm năm 2017 tăng hơn nhiều. Điều đó cho thấy, bánh trung thu “handmade” đang ngày càng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Lo ngại về vấn đề
vệ sinh an toàn thực phẩm, những năm gần đây, chị Trần Thu Hằng (ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP Hà Nội) đã chuyển hẳn sang mua bánh trung thu tự làm được bán online cho cả gia đình.
Chị Hằng chia sẻ: Trong danh
sách bạn bè trên Facebook cá nhân, chị có rất nhiều địa chỉ mua bánh trung thu “handmade” uy tín.
Bánh trung thu tự làm năm nay có nhiều mẫu mã đẹp, ăn không bị quá ngọt và ngấy như bánh trung thu mua ngoài hàng. Ngoài ra, trong quá trình làm bánh, các bạn đã chụp ảnh lên mạng, trông sạch sẽ nên chị yên tâm lựa chọn.
Tuy nhiên, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), bên cạnh những tiện ích, việc mua thực phẩm sạch online nói chung và bánh trung thu “handmade” nói riêng hiện vẫn chỉ bằng... niềm tin. Bởi trên thực tế, các trang website, mạng xã hội bán thực phẩm sạch của các cá nhân hầu hết không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hay giấy kiểm nghiệm chất lượng, nguồn gốc thực phẩm từ các cơ quan chức năng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng…
Không nên mua tùy tiện
Sở dĩ bánh trung thu “handmade” được khách hàng ngày càng ưa chuộng là vì người bán luôn nhấn mạnh độ an toàn của sản phẩm tự mình làm ra như: Bánh làm từ nguyên liệu sạch và làm đến đâu bán hết tới đó, bảo đảm tươi ngon, không chứa chất bảo quản, không có chất phụ gia, phẩm màu, hóa chất độc hại…
Song, trên thực tế, những người tự làm bánh để bán hay chính những người làm bánh để sử dụng trong gia đình sẽ áp dụng kiểu “mì ăn liền”, đó là tự làm vỏ bánh, còn mua nhân bánh bán sẵn trên thị trường. Bởi muốn làm nhân bánh ngon, cầu kỳ, nhiều vị phải tốn rất nhiều thời gian và công sức. Với những loại nhân này, không ai biết được nguồn gốc, xuất xứ của nó ở đâu, có an toàn hay không?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), hiện một số nguyên liệu làm bánh trung thu được bán ở các khu chợ không được kiểm soát và đó là điều đáng lo ngại. Các chất phụ gia như chất bảo quản, phẩm màu, chất tạo ngọt… có trong bánh trung thu, nếu sử dụng đúng liều lượng, đúng đối tượng thì bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên, nếu sử dụng những chất bảo quản không rõ nguồn gốc, liều lượng vượt quá mức quy định của Bộ Y tế, thì các thành phần này sẽ có tác động xấu tới cơ thể con người. Do vậy, người tiêu dùng không nên mua bánh trung thu “handmade” một cách tùy tiện; nên mua bánh của người thân thiết, biết rõ nguồn gốc sản phẩm.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, cần phải có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao những cơ sở
sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, bán hàng online trên mạng xã hội. Đồng thời, kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu, thực phẩm đầu vào, đây là vấn đề lo lắng nhất trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm hiện nay.
Trên thực tế, có rất nhiều cơ sở
chế biến và bán thức ăn qua mạng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, nếu phát hiện bất cứ cơ sở sản xuất nào vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng sẽ có hình thức xử lý tương tự các cơ sở sản xuất thực phẩm đường phố.
Tuy nhiên, trước vấn đề quản lý hoạt động
kinh doanh thực phẩm trên mạng vẫn còn gặp nhiều trở ngại, hơn ai hết, chính người tiêu dùng cần nâng cao ý thức cảnh giác với mặt hàng này, nhằm bảo đảm sức khỏe cho chính bản thân cũng như người thân trong gia đình