12/09/2018
4.6/5 trong 5 lượt Hiện nay, nông sản sạch vẫn loay hoay tìm hướng tiêu thụ do công tác quảng bá, kết nối với người tiêu dùng còn yếu. Vì vậy, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị và tham quan thực tế tại khu sản xuất của doanh nghiệp để người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp quy trình sản xuất, nhận diện mẫu mã sản phẩm.
Trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung như: Sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, chăn nuôi, trồng cây ăn quả cho giá trị từ 400 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 60%, còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nước ngoài.
Ngoài 128 siêu thị, 600 cửa hàng tiện ích, các kênh phân phối nông sản phần lớn qua các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Các hộ thương lái kinh doanh nhập những mặt hàng nông sản từ các nơi sản xuất, sau đó bán lẻ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, chợ cóc... gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm. Để giúp người tiêu dùng nhận diện nông sản sạch, an toàn, đặc sản vùng miền... đang là yêu cầu bức thiết đối với các cơ quan quản lý của thành phố và người dân Thủ đô.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, hiện người tiêu dùng thiếu thông tin về các kênh cung ứng sản phẩm an toàn nên không biết địa chỉ mua thực phẩm an toàn. Vì vậy, ngoài các hội nghị tuyên truyền về nâng cao kỹ năng nhận diện về tiêu dùng thực phẩm sạch, các đơn vị của Sở NN& PTNT Hà Nội đã tổ chức cho nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố đi thăm những mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị.
Qua đó, giúp người tiêu dùng nắm bắt thông tin, tăng cường khả năng nhận diện sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo đảm chất lượng; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng, nâng cao uy tín cho nông sản sạch...
Bà Trần Thị Trọng ở quận Ba Đình cho biết, hằng ngày, gia đình bà mua rau, thịt, cá ở chợ. "Hiện nay, trước nỗi lo về an toàn, vệ sinh thực phẩm, tôi đã tìm hiểu một số mặt hàng nông sản an toàn bán ở cửa hàng tiện ích, siêu thị với giá cao hơn 5-10% so với chợ truyền thống, nhưng vẫn e ngại về nguồn gốc xuất xứ. Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản an toàn cần có tem nhãn nhận diện và truy xuất nguồn gốc bằng thiết bị điện tử" - bà Trọng đề nghị.
Theo ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Hoàng Long (Thanh Oai), trang trại của gia đình ông đang nuôi khoảng 400 lợn nái và hơn 4.000 lợn thương phẩm. Toàn bộ quy trình sản xuất của hợp tác xã theo mô hình khép kín từ sản xuất con giống tới giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm...
Ngoài cung cấp mặt hàng thịt bảo đảm chất lượng, trang trại còn sản xuất các loại giò, chả, xúc xích mang thương hiệu AZ đưa ra thị trường. Tuy tất cả các mặt hàng của hợp tác xã đều bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được các ngành chức năng cấp giấy phép, nhưng số lượng tiêu thụ còn ít. Người tiêu dùng vẫn nhầm lẫn khi lựa chọn sản phẩm trên thị trường.
"Thời gian qua, Sở NN&PTNT tổ chức đưa người tiêu dùng về "mục sở thị" tại các trang trại, khu sản xuất an toàn chính là cơ hội tốt cho doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá sản phẩm tới người dân. Qua chuyến thăm, người tiêu dùng cũng biết rõ hơn về sản phẩm thịt, giò, chả được sản xuất an toàn, tem nhận diện để truy xuất nguồn gốc xuất xứ để lựa chọn khi mua về sử dụng" – ông Long chia sẻ Ngọc Quỳnh