0908.326.779 - 0906.362.707
 

Thực phẩm sạch - Ước mơ xa vời

24/08/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Thực phẩm sạch - Ước mơ xa vời
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng thực phẩm nhưng kết quả còn hạn chế, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Vẫn khó kiểm soát

Chỉ tính riêng trong tháng 6/2018, cả nước đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 190 người phải nhập viện và có 1 trường hợp tử vong do ăn thịttrứng cóc. Đáng nói là, 3/16 vụ ngộ độc thực phẩm là do độc tố tự nhiên; 7/16 vụ do vi sinh vật và 6/16 vụ chưa xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.

thuc pham sach uoc mo xa voi

Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, cả nước đã xảy ra 44 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.207 người mắc, 957 người nhập viện và 7 trường hợp tử vong.

Nhiều chuyên gia khẳng định, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngộ độc thực phẩm gia tăng là bởi hiện có nhiều chủng loại thực phẩm khác nhau được chế biến ở nước ngoài đưa vào Việt Nam qua nhiều con đường, song chất lượng lại bị bỏ ngỏ. Việc sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hóa chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo quản… không theo quy định đã gây ô nhiễm nguồn nước, tồn dư hóa chất trong thực phẩm.

Việc sử dụng chất phụ gia trong sản xuất cũng ngày càng phổ biến. Các loại phẩm màu, đường hóa học đang bị lạm dụng trong pha chế nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, chế biến thức ăn sẵn; sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không bảo đảm chất lượng, thành phần, không theo đúng quy trình công nghệ đã đăng ký, công bố; quảng cáo không đúng sự thật. Đồng thời, việc bảo quản lương thực, thực phẩm không đúng quy cách đã tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, dẫn đến nhiều vụ ngộ độc thực phẩm.

Tăng cường quản lý

Để giải quyết vấn đề thực phẩm không an toàn, Cục ATTP, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó đẩy mạnh thanh ta, kiểm tra. Đặc biệt, kể từ khi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP thì công tác quản lý được đánh giá là đã tạo bước đột phá khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, phương thức quản lý thông thoáng này sẽ khiến thực phẩm không an toàn đã tràn lan càng dễ tràn lan hơn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP - khẳng định, cơ chế thông thoáng không có nghĩa dễ dãi, buông lỏng quản lý với doanh nghiệp (DN), sản phẩm. Bởi Nghị định 15 vẫn có những quy định chặt chẽ về chất lượng sản phẩm...

Cụ thể, theo Nghị định 15, thay vì tất cả các sản phẩm bao gói sẵn trước đây phải được cấp giấy xác nhận phù hợp thì bây giờ chỉ có các nhóm sản phẩm bao gồm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ tới 36 tháng tuổi; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới; những sản phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt như thực phẩm ăn qua xông cho người bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ, phải đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan quản lý. Các sản phẩm còn lại do các DN tự công bố. Các chỉ tiêu an toàn về kim loại nặng, tồn dư hóa chất bảo vệ thực phẩm, các vi sinh vật gây bệnh, nấm men, nấm móc... các DN tự công bố theo mức cho phép mà Bộ Y tế đã quy định. Các cơ quan quản lý sẽ căn cứ vào bản công bố này để tăng cường hậu kiểm, nếu mẫu kiểm nghiệm mà không đúng như DN tự công bố thì sẽ xử lý rất nghiêm.

Đối với thực phẩm nhập khẩu, Nghị định 15 sẽ giảm tối đa số lô sản phẩm phải kiểm nghiệm, đặc biệt là những sản phẩm đã công bố đăng ký chất lượng và các nhà máy đã có chứng nhận hệ thống GMP, HACCP... Khi nhập khẩu, hải quan chỉ kiểm tra hồ sơ, trừ trường hợp có cảnh báo và trường hợp sản phẩm ra thị trường mà phát hiện sai phạm thì sẽ đưa vào dạng kiểm soát chặt.

Ông Phong nhấn mạnh thêm, đối với hậu kiểm, Chính phủ hiện đang có đề án nâng cao năng lực của lực lượng quản lý thị trường, hành động nhanh hơn, chỉ đạo xuyên suốt, việc kiểm soát ATTP sẽ được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi “vì sao tăng cường công tác quản lý nhưng vẫn còn không ít thực phẩm bẩn trên thị trường?”, thì đại diện Cục ATTP cho rằng, theo đánh giá chung của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP ở nhiều địa phương, mặc dù tổ chức thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan, điển hình như việc chậm xử lý dứt điểm về tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; sử dụng thuốc, phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm, giết mổ bảo đảm ATTP... Nhiều cán bộ kiểm tra ở tuyến xã vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp, vẫn có tình trạng “nể nang” tình làng nghĩa xóm. Lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành mỏng…

Để giải quyết những điểm yếu đó, ông Phong cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm ATVSTP cho các nhóm đối tượng; tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ địa phương về chuyên môn nghiệp vụ quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm; duy trì Tháng Hành động vì ATTP… Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác hậu kiểm từ Trung ương đến địa phương theo định kỳ, sự kiện, chủ đề hoặc đột xuất, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả.

Cục ATTP đang đề xuất sửa đổi Nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo hướng tăng mức phạt hành chính với các doanh nghiệp vi phạm, đồng thời áp dụng nghiêm túc Điều 317 Bộ luật Hình sự với các vi phạm về ATTP.
Nguyễn Bách