0908.326.779 - 0906.362.707
 

Phạt nặng để có thực phẩm an toàn

22/10/2018    4.6/5 trong 5 lượt 
Phạt nặng để có thực phẩm an toàn
Từ ngày 20-10-2018, những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị xử phạt hành chính mức phạt cao gấp nhiều lần so với trước kèm nhiều hình phạt bổ sung, đặt nền tảng cho yêu cầu cao hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các quy định mới này được nêu trong Nghị định 115/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Sợ bẩn nhưng vẫn phải ăn

Ai cũng sợ những ẩn họa từ thực phẩm bẩn, nhiễm hóa chất bày bán khắp nơi. Vậy nhưng hằng ngày từ sáng sớm đến tối khuya, người ta vẫn mua thực phẩm bày bán ở sạp chợ, vỉa hè, lề đường. Làm sao biết nguyên liệu chế biến sạch cỡ nào và môi trường nơi bán hàng bẩn tới đâu?

Người nội trợ muốn tìm nguyên liệu thực phẩm sạch đều phân vân không biết thịt cá có bị tẩm ướp hóa chất gì không, rồi rau có còn dư lượng thuốc trừ sâu, trái cây có bị ngâm hóa chất... hay không. Cuộc sống cứ trôi đi trong vòng vây các loại thực phẩm sạch - bẩn khó lường.

Lên mạng tìm từ khóa "thực phẩm bẩn" sẽ gặp hàng loạt cảnh báo từ các bác sĩ, các nhà khoa học nghiên cứu về ung thư đã chỉ ra rằng: thực phẩm bẩn là nguy cơ hàng đầu của nhiều bệnh ung thư ở Việt Nam. 

Tỉ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35% (kế đến là hút thuốc lá 30%, yếu tố di truyền chỉ chiếm 5-10%). Có người gọi thực phẩm bẩn là quốc nạn của Việt Nam, là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng ung thư gia tăng như hiện nay. Những thói quen ăn uống xấu của đại đa số người dân cũng dẫn tới việc gia tăng ung thư.

Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt "mạnh tay" hơn với rất nhiều loại vi phạm. Đã có quy định hình thức xử lý, mức phạt khá rõ ràng, cụ thể và cả thẩm quyền xử phạt gồm: thanh tra viên, chiến sĩ công an nhân dân, chiến sĩ bộ đội biên phòng, cảnh sát viên cảnh sát biển, công chức hải quan, kiểm sát viên thị trường đang thi hành công vụ... 

Quy định xử phạt không chỉ để phạt mà còn có tính ngăn ngừa, răn đe hành vi vi phạm từ khâu sản xuất đến chế biến, kinh doanh thực phẩm. Nghị định này quy định rất rõ mức xử lý vi phạm, các đối tượng vi phạm. 

Vấn đề là quy định sẽ thực hiện nghiêm đến mức nào, luật đã đủ mạnh để giảm thực phẩm bẩn và tình trạng chế biến, buôn bán đồ ăn thức uống không đảm bảo vệ sinh tràn lan hiện nay?

Ai phạt và nên phạt ai?

Mức phạt theo quy định lần này cao gấp nhiều lần so với trước. Những vi phạm cá nhân nhỏ lẻ, mức phạt phổ biến cũng từ 1 triệu đồng trở lên. Và hành vi vi phạm thì... nhiều vô cùng tận, khắp nơi. 

Mức phạt theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP

- Phạt 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh thực phẩm ẩm mốc, bụi bẩn hoặc tiếp xúc các yếu tố gây bẩn, nơi bán thực phẩm không có bàn tủ giá kệ theo đúng quy định.

- Phạt 1 - 3 triệu đồng nếu nơi kinh doanh bày bán có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; bày bán thực phẩm trên thiết bị dụng cụ không đạt vệ sinh; người chế biến thức ăn không đội mũ, không đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay, không sử dụng găng tay với thức ăn chín, ăn ngay.

- Phạt 3 - 5 triệu đồng nếu không thực hiện lưu mẫu thức ăn, cống rãnh khu vực chế biến thức ăn bị ứ đọng, không được che kín.

- Phạt tiền 1 - 2 lần giá trị sản phẩm đã quá hạn sử dụng, sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm không được kiểm tra thú y, kiểm dịch thực vật.

- Phạt tiền 10 - 100 triệu đồng với hành vi sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ, hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong chế biến thực phẩm.

Đi đâu cũng dễ gặp cảnh hàng quán đầy rác, ruồi, gián; thức ăn bày bán trên lề đường, gần miệng cống, thùng rác. Ngày càng nhiều đường phố "nhộn nhịp" cảnh bày bán đầy thức ăn sáng, xếp hàng nối nhau, món gì cũng có thể cho vào bao nilông, hộp nhựa, hộp xốp đầy bụi bẩn và hết sức độc hại.

Xử phạt những người buôn bán nhỏ lẻ, ít vốn này không khó. Nhưng thực tế cho thấy phạt chỗ này lại mọc ra chỗ khác. Khi mức phạt quá cao, người buôn bán nhỏ chấp nhận bị tịch thu "đồ nghề", phương tiện và trốn không đóng phạt. 

Về thực tế này, cần có một giải pháp vận động, khuyến cáo để thay đổi dần thói quen trong cộng đồng. Nhà nhà, người người đổ xô ra lề đường bán thức ăn, còn người ăn thì có thể ngồi bừa bất cứ đâu, kể cả nơi bụi bẩn bay mù mịt. 

Nếu áp dụng nghị định 115 phạt ngay từ các hành vi như không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị dụng cụ đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn, không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay... e rằng chính quyền địa phương sẽ phạt không xuể!

Điều kỳ vọng lớn nhất của người dân là phải làm quyết liệt để giảm thực phẩm bẩn ngay từ gốc: không để thịt thối, thịt bẩn, rau củ quả chứa thuốc trừ sâu... và rất nhiều loại thực phẩm hư hỏng được tẩm ướp hóa chất độc hại tung ra thị trường. Hàng quán sạch sẽ, chế biến đảm bảo vệ sinh nhưng nguyên liệu bẩn mỗi bữa ăn là mỗi lần thêm chất độc vào người. 

Không biết bao nhiêu lần báo chí đặt vấn đề về các loại phụ gia độc hại được ngâm tẩm vào thực phẩm, nhưng rồi các loại "thuốc độc" này vẫn được bày bán dễ dàng, công khai. An toàn thực phẩm cần bắt đầu từ khâu nguyên liệu, phụ gia làm đồ ăn thức uống cho người. Quản lý, xử phạt khâu này khó hơn đi phạt những người bán lẻ, nhưng cần quyết liệt mới xử tận nguồn gốc thực phẩm bẩn hiện nay.

Để thức ăn đường phố “sạch” hơn…

 

thực phẩm bẩn

Mức phạt cao hơn sẽ góp phần nâng cao ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của người kinh doanh - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Trước nghị định 115/2018, chúng ta cũng đã có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong an toàn vệ sinh thực phẩm.

Muốn xử phạt trước hết phải phát hiện hành vi vi phạm. Hàng quán bài trí tự phát của người bán ở khắp nơi, mỗi nơi mỗi kiểu. Xử lý hành vi gây mất vệ sinh của người buôn bán nhỏ, lẻ thì dễ. Làm sao phát hiện thức ăn không an toàn từ nguyên liệu đến phụ gia? Chuyện này quá khó và chưa bao giờ được làm bài bản, đó là chưa nói chi phí thực hiện công việc kiểm tra này.

Cần có lộ trình để đưa thức ăn đường phố đi vào khuôn khổ an toàn sạch sẽ hơn. Trước hết nên xác định những địa điểm, vị trí nào đủ điều kiện mở hàng quán. Để mở hàng quán, người bán cần cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, nguồn gốc nguyên liệu nhập vào để chế biến thức ăn. Cần có thông tin công khai về nguồn gốc, chất lượng các nguyên liệu được sử dụng để người mua tham khảo, tất nhiên người bán phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của những thông tin này. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người mua cùng với cơ quan quản lý quản lý tốt hơn chất lượng thức ăn họ

đang dùng.

Mỗi địa phương có thể tạo quỹ để thực hiện việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Quỹ này có thể được tạo ra từ việc thu tiền các hàng quán với mức thu ít và định kỳ. Điều này vừa tiết kiệm ngân sách địa phương vừa nâng cao trách nhiệm của người bán với công việc của mình.

Cần xây dựng được quy trình kiểm tra nhanh gọn, ít tốn kém, ít gây phiền hà cho người bán. Để hạn chế kiểu quản lý qua loa, hình thức hay vị nể, cần có những quy định chế tài cụ thể đối với người có trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm nếu có sai phạm.

Chỉ mới có những quy định về hành vi vi phạm, các hình thức chế tài, thẩm quyền xử phạt là chưa đủ. Phải có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả nhằm chủ động phát hiện các hành vi vi phạm để xử lý kịp thời, khi đó pháp luật mới đi vào cuộc sống và người dân mới có thể an tâm thật sự.

BAN MAI