09/10/2018
4.6/5 trong 5 lượt TP Hồ Chí Minh vừa được tạp chí du lịch Traveller của Australia chọn là một trong 10 thành phố có thức ăn đường phố hấp dẫn nhất châu Á. Để tiếp tục giữ vững hình ảnh thực phẩm an toàn cho du khách và người dân, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều chương trình nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh, bảo đảm an toàn vệ sinh đối với thức ăn đường phố.
Thời tiết tại TP Hồ Chí Minh nắng nóng quanh năm, nguy cơ thực phẩm bày bán ngoài lề đường rất dễ bị nhiễm khuẩn, ôi, thiu. Vì vậy, để cải thiện điều kiện kinh doanh thức ăn đường phố, từ tháng 8-2017, UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai tổ chức các tuyến phố kinh doanh hàng rong tập trung trên địa bàn các quận, huyện.
Hai phố hàng rong đầu tiên được UBND TP Hồ Chí Minh triển khai tại vỉa hè là tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp thuộc địa bàn quận 1 đã hoạt động được hơn một năm nay đều được bố trí các quầy kinh doanh thực phẩm, nước sạch, điện. Các hộ kinh doanh ở đây phải có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá và được kiểm tra giám sát thường xuyên.
Vào buổi trưa tại phố hàng rong đường Nguyễn Văn Chiêm (có chiều dài 40m dành cho 20 hộ kinh doanh) luôn tấp nập khách. Nơi đây tập trung các hàng bán thực phẩm đa dạng từ nước giải khát, trà sữa, trái cây đến các món ăn vặt như há cảo, bánh tráng trộn... Sự sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, hợp vệ sinh và vị trí thuận lợi là một ưu thế giúp phố hàng rong này thu hút nhiều du khách.
Tương tự, phố hàng rong Công viên Bách Tùng Diệp (có chiều dài 30m dành cho 15 hộ kinh doanh) được UBND quận 1 đầu tư cả hệ thống quạt máy, bàn ghế ngồi cho khách. Tại đây có bán các mặt hàng cơm, phở, bún bò, mì xào và các loại trái cây, đồ uống hấp dẫn.
Gắn bó với việc kinh doanh thức ăn đường phố gần 10 năm nay, trước kia bà Nguyễn Thị Phụng (54 tuổi) vẫn bày bán trái phép nơi lề đường tại Công viên Bách Tùng Diệp nên thường xuyên bị cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ. Từ ngày thành phố tạo điều kiện cho bán hàng tại phố hàng rong, việc kinh doanh của bà ổn định, doanh thu tăng cao. Các hộ kinh doanh ở đây được trang bị sạp, lều, bạt, quạt máy và hỗ trợ miễn phí tiền điện, nước trong 6 tháng đầu mới hoạt động...
Hai mô hình thí điểm phố hàng rong tập trung trên là giải pháp giúp người dân kinh doanh hàng rong hợp pháp và bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nhóm thức ăn đường phố. Năm 2018, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch cải thiện điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thức ăn đường phố năm 2018-2019. Trong đó, sẽ rà soát toàn bộ hệ thống kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn và xếp loại theo bộ tiêu chí đánh giá. Ban Quản lý đặt mục tiêu có 80% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được kiểm soát và trong tương lai sẽ tiến hành gắn logo "Thức ăn đường phố an toàn".
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, 10 tiêu chí kiểm soát thức ăn đường phố đạt tiêu chuẩn gồm: Nơi kinh doanh phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rác, rác thải, nơi bán gia súc, gia cầm; bày bán thức ăn trên bàn phải cách mặt đất 60cm, thức ăn phải được che đậy; người kinh doanh không được để lẫn trộn giữa thức ăn sống và thức ăn chín; bắt buộc có dụng cụ gắp thức ăn, găng tay dùng một lần khi chế biến thực phẩm...
Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai thêm các điểm bán hàng rong tập trung, các khu phố ẩm thực, bảo đảm có thêm 1-2 mô hình/năm. Ngoài ra, mỗi quận, huyện sẽ xây dựng mô hình điểm về kiểm soát an toàn đối với thức ăn đường phố. Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố tiếp tục đưa ra những giải pháp hỗ trợ người kinh doanh thức ăn đường phố tại các khu vực như nhà ga, bến tàu, chợ, điểm du lịch, các tuyến phố kinh doanh ẩm thực tự phát. Tuệ Diễm