Hiện nay, trên thị trường, việc bày bán tràn lan hàng giả, hàng nhái đang diễn ra phổ biến và ngày càng phức tạp. Không khó để bắt gặp các sản phẩm của nhiều loại hàng hóa làm giả các thương hiệu có giá rất thấp so với hàng thật. Tình trạng sao chép nhãn hiệu, kiểu dáng, mẫu mã...đang xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ, không từ một mặt hàng nào. Điều này, ảnh hưởng lớn tới kinh tế, sức khỏe của người tiêu dùng và việc kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp
Tràn lan hàng giả trên thị trường
Gần 250 bao cám tinh tại kho của Cty TNHH Thương mại và dịch vị Quyền Hưởng tại Bắc Giang được lực lượng chức năng phát hiện làm giả
nhãn hiệu của Công ty TNHH sản xuất bột mỳ Vimaflour. Qua kết quả giám định, mẫu cám trên không đạt tiêu chuẩn công bố, không cùng loại với mẫu cám của nhà sản xuất. Điều này khiến cho người tiêu dùng không khỏi lo lắng nếu số lượng lớn cám giả này tiêu thụ trót lọt trên thị trường.
Bà Nguyễn Thị Minh – Thị trấn Cao Thượng huyện Tân Yên - Bắc Giang cho biết, tôi thì cứ mua thôi mua hãng quen thôi rất khó phân biệt, không thể phân biệt được thật giả.
Theo ông Nguyễn Công Minh – Xã Việt Lập huyện Tân Yên- Bắc Giang, tình trạng này tiếp diễn sẽ gây thiệt hại sẽ vô cùng lớn khi mua phải hàng giả, mong kiểm tra, xử lý tránh gây thiệt thòi cho chúng tôi.
Tình trạng sao chép nhãn hiệu, kiểu dáng, mẫu mã...đang xâm phạm nghiêm trọng quyền
sở hữu trí tuệ, không từ một mặt hàng nào
Gần 10 tấn hóa chất, 70 nghìn mặt hàng mỹ phẩm, thuốc tây, rượu đồ chơi trẻ em... không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, kém chất lượng được lực lượng quản lý thị trường TP HCM phát hiện và thu giữ tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn.
Điều đáng nói là hiện nay các hành vi vi phạm này được thực hiện một cách tinh vi, có tổ chức, ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh và quá trình sản xuất của các doanh nghiệp.
Bà Bùi Phan Ngọc Trinh - Tổng Giám đốc Công Ty Cổ phần Anovaj Pharma cho biết, vừa rồi công ty của chúng tôi cũng gặp phải vấn nạn hàng gian, hàng giả những doanh nghiệp nhỏ, lẻ làm giống sản phẩm của chúng tôi.
Hàng giả hàng nhái thì bao giờ cũng họ cũng bán khoảng 50 - 70% hàng thật. Cho nên hàng thật rất ít khả năng cạnh tranh. Ông Trần Đức Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cafe Việt Hà Gia Lai cho hay.
10 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện 145.000 vụ kiểm tra, phát hiện 88.000 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, theo lực lượng chức năng, những con số trên chỉ là phần nhỏ so với lượng hàng giả, hàng nhái đang có trên thị trường hiện nay.
Khó khăn xử lý "vấn nạn" hàng giả, hàng nhái
Thực trạng hàng giả hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ đang ở mức đáng báo động. Trong khi đó, những quy định về sở hữu trí tuệ và hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ lại chưa thật đầy đủ, chưa đồng bộ, đặc biệt là những quy định về các biện pháp và chế tài xử lý mới chủ yếu dừng ở các hình thức xử lý hành chính, chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Với nhiều chiêu thức làm giả hết sức tinh vi, tạo ra nguồn lợi lớn của các doanh nghiệp bất chính cộng với chế tài chưa đủ mạnh, còn nhiều vướng mắc, chủ yếu tập trung vào xử phạt hành chính. Đó là những nguyên nhân hàng đầu khiến tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trở nên phức tạp như hiện nay.
Trao đổi ANTV, ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, nhiều đối tượng lợi dụng việc lách luật sản xuất nhiều mặt hàng hiện nhiều lực lượng chưa xử lý mạnh vì sợ vướng mắc về pháp lý, cho nên nhiều vụ việc khó xử lý.
Mặt khác, để đi đến một kết luận về 1 hành vi xâm phạm quyền giữa hai sản phẩm được cho là thật và giả, thì quá trình giám định ấy sẽ phải trả qua nhiều các yếu tố khác nhau. Khó khăn nhất khi doanh nghiệp chưa đăng ký xác lập quyền đối với sản phẩm ấy. Ngoài ra, khi bị làm giả sản phẩm của mình, ngay chính bản thân các doanh nghiệp vẫn đang còn e dè trước thực trạng này.
Ông Nguyễn Hữu Cẩn,Phó Viện trưởng Viện Khoa học
Sở hữu trí tuệ cho rằng, khó khăn là khi tiến hành yêu cầu giám định thì doanh nghiệp với tư cách là chủ sở hữu lại chưa đăng ký xác lậpquyền như vậy có nghĩa là việc xử lý xâm phạm quyền ở đây là không thể thực hiện được, hoặc doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu lại khác so với nhãn hiệu đã đăng ký.
Theo chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và
bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), ông Lê Thế Bảo cho rằng, cuộc đấu tranh này cần đồng bộ nhiều ban ngành và bản thân doanh nghiệp cũng chưa mặn mà, doanh nghiệp hời hợt, hững hờ với cuộc đấu tranh này, thậm chí có người còn ngại nói đến hàng của mình bị làm giả cho nên cái sự vào cuộc của doanh nghiệp còn kém.
Để xử lý những vấn đề bất cập, tại buổi lễ kỷ niệm “Ngày
chống hàng giả, hàng nhái” vừa qua, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu lực lượng bảo vệ pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang, khuôn khổ pháp lý vững chắc tạo thuận lợi cho thực thi công tác chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình,Trưởng Ban chỉ đạo chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia) đề nghị các bộ tiếp tục chủ động, thường xuyên rà soát chính
sách pháp luật liên quan để thuận lợi cho việc chống hàng giả hàng giả hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Qua đây có thể khẳng định, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành. Trong đó, có sự vào cuộc của các hiệp hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng hàng giả, hàng nhái, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp; đồng thời, đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và trên toàn cầu