Đó là quan ngại của nhiều chuyên gia khi đánh giá cuộc chiến nhằm đẩy lùi vấn nạn hàng giả đang gặp quá nhiều trở ngại. Thực tế, tình trạng hàng giả, hàng nhái đang rất báo động. Và doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng không chỉ là những nạn nhân.
Hàng giả đang là vấn nạn
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389), trong 10 tháng đầu năm 2016, toàn quốc phát hiện hơn 172.000 vụ buôn lậu, truy thu nộp ngân sách gần 13.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2015. Cũng trong 10 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý hơn 2.000 vụ hàng giả, phạt hành chính gần 60 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thành Danh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, từ năm 2013 đến 2016, địa phương này đã kiểm tra và xử lý 92 vụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ông Danh cho biết, đang có sự đối đầu không cân sức giữa cơ quan thực thi và cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng giả. Các cơ quan thực thi đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, chưa có tổ chức chuyên trách chống hàng giả. Hiện nay, chỉ có một tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ là quá ít, không bảo đảm tính khách quan. Cá nhân, tổ chức làm hàng giả ngày càng phát triển về trình độ và quy mô, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện.
Theo Ban 389, với vấn nạn hàng giả, thực tế, càng kiểm tra thì càng phát hiện những sai phạm "động trời". Tuy nhiên, kết quả phát hiện hàng giả, kém chất lượng chưa tương xứng tình hình thực tế. Vấn nạn này nhức nhối đến mức, bất cứ thương hiệu nào của Việt Nam bắt đầu có uy tín, có thị trường tốt là có hàng nhái, hàng giả ngay lập tức.
Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM đã phải thốt lên: "Hàng gian, hàng giả... ngày càng tràn lan và đang là vấn nạn. Hàng giả và hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ đang bóp chếp hàng ngàn doanh nghiệp làm ăn chân chính, bóp chẹt quyền lợi của người tiêu dùng". Theo phân tích của ông Phong, các thủ đoạn, hình thức của những đối tượng, doanh nghiệp làm ăn không chân chính rất xảo quyệt. Bởi thế, để nhận diện đâu là sản phẩm bảo đảm an toàn cho cuộc sống rất khó khăn.
Cần những đòn tổng lực
Trong 10 tháng đầu năm 2016, toàn quốc phát hiện hơn 172.000 vụ buôn lậu, truy thu nộp ngân sách gần 13.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ 2015.
Thời gian tới, Ban 389 sẽ phối hợp cùng các ban ngành, địa phương mạnh tay dẹp loạn thị trường phân bón, thuốc lá, mỹ phẩm và thị trường đồ ăn, thức uống. "Chúng tôi mong rằng, doanh nghiệp phải từng bước đồng hành cùng Chính phủ đẩy lùi vấn nạn này. Phải xử lý mạnh để bảo vệ sản xuất trong nước và người tiêu dùng. Phải quyết liệt, tích cực hơn. Đó là cách doanh nghiệp tự bảo vệ mình trước sự tàn phá của hàng giả, hàng nhái" - ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban 389 chia sẻ.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM cho rằng, cần phải "định danh" được thế nào là thương hiệu, logo... mà luật sở hữu trí tuệ chưa định nghĩa. "Nếu không thay đổi tư duy, nhận thức thì chắc chắn cuộc chiến chống hàng nhái, hàng giả thất bại. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ và tích cực nhập cuộc cùng cơ quan quản lý nhà nước trong cuộc chiến chống hàng nhái, hàng giả là cách mà doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Còn theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương, việc xác nhận hàng thật, hàng giả của chủ sở hữu còn chậm, chưa đủ căn cứ pháp lý và có thể bị lợi dụng vào mục đích khác. Cần có cơ chế đăng ký các đặc điểm nhận biết hàng thật, hàng giả kèm theo hồ sơ xác lập quyền hoặc đăng ký việc sử dụng tem chống giả có tính năng đặc biệt. Cần có nhiều chương trình nâng cao trình độ cho doanh nghiệp đối với công tác chống hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp, chủ thể sở hữu trí tuệ cần xác định việc tham gia chống hàng giả là quyền và là nghĩa vụ để bảo vệ người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người tiêu dùng phải lên tiếng, đề xuất để cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn trong lĩnh vực chống hàng gian, hàng giả. Trong cuộc chiến này, cơ quan chức năng cần sự nhập cuộc sâu và bền hơn từ chính các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng.