Việc các doanh nghiệp (DN) kinh doanh khí (ga) gửi đơn kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan xem xét, cân nhắc, không sửa quy định hạ “chuẩn” điều kiện kinh doanh ga đã cho thấy những bất cập trong công tác quản lý, kinh doanh mặt hàng này. Việc “hạ sàn” nhằm tạo điều kiện cho nhiều DN tham gia cung ứng sản phẩm nhưng nếu không có giải pháp quản lý hữu hiệu, nhất là các chế tài xử lý triệt để hành vi vi phạm thì chất lượng ga sẽ bị thả nổi trên thị trường.
Còn ý kiến trái chiều
Trước đây, theo quy định tại Nghị định 107/2009 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh khí, thương nhân phân phối ga cấp 1 phải có bồn chứa 800 m3 và 300 nghìn vỏ bình. Để đáp ứng quy định này, nhiều DN đã đầu tư nguồn vốn rất lớn, vay vốn ngân hàng để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Khi Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí ra đời, thay thế Nghị định 107, đã tháo gỡ khó khăn cho DN như quy định về sức chứa của bồn thấp hơn, giảm xuống còn 300 m3 đối với khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); số lượng vỏ bình còn 100 nghìn vỏ; sở hữu lượng vốn ít hơn nhiều; bỏ bớt yêu cầu về đào tạo chứng chỉ, nghiệp vụ,... nhằm tạo điều kiện cho nhiều DN nhỏ và vừa tham gia cung ứng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, việc hạ thấp các quy định về bồn chứa và số lượng vỏ bình đã nảy sinh nhiều bất cập. Nhiều thương nhân không đủ năng lực, điều kiện về bồn chứa, vỏ bình, trước đây bị coi là kinh doanh trái phép, nay nghiễm nhiên
được tham gia thị trường. Điều này khiến thị trường cung ứng ga tràn lan, Nhà nước không kiểm soát được chất lượng cũng như an toàn cháy nổ. Bên cạnh đó, thị trường ga hiện còn tình trạng chiếm dụng vỏ chai, vỏ bình, “cưa tai, mài chữ” ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu DN và gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Nhiều trạm sang nạp ga không đủ điều kiện lưu thông, vi phạm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, khi xảy ra cháy nổ không có căn cứ để xử lý và truy cứu trách nhiệm.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều DN kiến nghị cần hạ “chuẩn” về điều kiện kinh doanh ga để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đại diện một công ty chuyên kinh doanh ga khu vực miền bắc cho rằng, điều kiện thương nhân kinh doanh ga trong Nghị định 19/2016 quá chặt chẽ và bất hợp lý, đẩy hàng loạt DN phân phối ga đến nguy cơ phá sản. Cụ thể, các DN kinh doanh ga phải đáp ứng một số điều kiện như số lượng vỏ bình thuộc sở hữu của thương nhân xuất, nhập khẩu LPG có tổng dung tích chứa thấp nhất 3,9 triệu lít (khoảng 150 nghìn vỏ bình) và 2,6 triệu lít (khoảng 100 nghìn vỏ) đối với thương nhân phân phối. Ngoài ra, dung tích chứa các bồn LPG thấp nhất xuống còn 300 m3 đối với thương nhân phân phối sẽ dẫn đến việc loại bỏ các DN nhỏ và vừa tham gia vào thị trường, nhất là nhiều DN đã có quá trình đầu tư, hoạt động hợp pháp, hiệu quả. Các DN nhỏ bị thiệt hại đáng kể vì không thua về thị trường, khách hàng nhưng áp theo điều kiện của Nghị định 19 sẽ “đẩy” DN biến mất vì phải đầu tư tới 25 đến 30 tỷ đồng vào hệ thống bồn chứa, bình ga với mục đích được cấp lại giấy phép kinh doanh mà không cần thiết sử dụng vào sản xuất, kinh doanh. Chính phủ và các bộ, ngành cần hạ “chuẩn” điều kiện kinh doanh, sửa đổi Nghị định theo hướng bỏ điều kiện tổng đại lý kinh doanh ga phải có ít nhất 10 đại lý; đại lý kinh doanh ga chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho một tổng đại lý hoặc ba thương nhân kinh doanh ga đầu mối. Quy định tổng đại lý nếu ký hợp đồng với nhiều thương nhân thì chỉ cần có một kho chứ không nhất thiết khi xin phép mỗi một tổng đại lý phải có một kho 2.000 bình,...
Trái ngược quan điểm nêu trên, một DN kinh doanh ga khu vực miền nam cho biết: “Nghị định 19/2016 đã hạ “chuẩn” khá lớn, do vậy không nên hạ “chuẩn” thêm nữa. Hành lang pháp luật đưa ra không thể thỏa mãn tất cả DN. Không lẽ quy định hiện tại đã hạ “chuẩn” so với trước đây, nay vì DN kêu khó thực hiện nên tiếp tục hạ “chuẩn” hay sao? Đây là cơ hội buộc các DN phải đầu tư, làm ăn bài bản chứ không thể tồn tại tình trạng “chụp giật”, gian lận thương mại như trước”. Vị đại diện này cũng cho biết thêm, dù Nghị định 19/2016 đưa ra nhiều quy định chặt chẽ nhưng không tới mức gạt DN nhỏ ra khỏi thị trường như phản ánh nêu trên.
Xử lý nghiêm sai phạm
Đại diện Tổng công ty ga Petrolimex khẳng định, ga là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi đầu tư lớn, kinh doanh bài bản, có tính hệ thống. Do đó, các quy định về vỏ bình, kho chứa, cầu cảng, kênh phân phối theo Nghị định 19/2016 là hợp lý, cần giữ nguyên để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời đòi hỏi các nhà phân phối phải nâng cao trách nhiệm trong kinh doanh. Không chỉ liên quan các điều kiện về kinh doanh ga, một trong những vấn đề nổi cộm thời gian gần đây là chất lượng ga cung cấp trên thị trường khá tù mù, yêu cầu an toàn về cháy nổ cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng đang bị bỏ ngỏ.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần kinh doanh Khí hóa lỏng miền bắc (Tổng công ty Khí Việt Nam - PV Gas) Trần Trọng Hữu khẳng định, chất lượng ga sản xuất trong nước hoàn toàn bảo đảm về chất lượng. Tuy nhiên, hiện tồn tại một số hình thức làm giả như giả thương hiệu, nhãn hiệu; làm bình gần giống hoặc thu mua bình của các công ty sản xuất ga có uy tín về sang chiết rồi đem bán. Nguy hại ở chỗ, những cơ sở này không phải bỏ ra các khoản chi phí đầu tư ban đầu (một DN lớn phải đầu tư vài trăm nghìn đến hàng triệu vỏ bình lưu thông trên thị trường, mỗi bình ga đầu tư mới khoảng 450 nghìn đồng), mà chỉ chuyên thu mua vỏ bình về chiết nạp, bơm không đủ trọng lượng rồi đem bán thu lợi, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn tạo ra sức ép đối với các DN làm ăn chân chính. Mặt khác, kinh doanh ga là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, áp suất ở trong bình luôn rất cao, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ, cháy nổ lớn. Trong khi đó, các cơ sở gian lận không thể bảo đảm các yêu cầu về độ an toàn phòng, chống cháy nổ khi cố tình mua những bình kém chất lượng. Do đó, cần phải quy định rõ những hành vi vi phạm và có mức xử lý nghiêm những cơ sở gian lận, chuyên sang chiết, nạp ga lậu và kinh doanh không tuân thủ quy định. Nhất là, cần quy định những hành vi mà người vi phạm sẽ bị tịch thu bình LPG, trả lại cho chủ sở hữu,...
Quy định tại Nghị định 19/2016, thương nhân phân phối phải có ít nhất 100 nghìn vỏ bình đối với một DN đầu tư bài bản là quá thấp. Trên thực tế, DN phải có ít nhất 15% lượng bình dự trữ để chiết nạp ga và đổi, cung cấp cho các đại lý, tiếp đến là kiểm tra, kiểm định lại chất lượng, sơn sửa vỏ bình,... Chính vì vậy, chỉ còn 85 nghìn bình lưu thông trên thị trường. Trong 85 nghìn bình này, hằng tháng có khoảng 21 nghìn bình quay về đổi, cho nên một DN chỉ có 260 đến 300 tấn ga kinh doanh/tháng sẽ không đạt hiệu quả và chỉ có thể làm đại lý cho các thương nhân khác. Do vậy, việc hạ chuẩn điều kiện kinh doanh này sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở, DN không đủ điều kiện có thể tham gia cung cấp sản phẩm, gây rối loạn thị trường. Đó còn chưa kể có thể làm ảnh hưởng tới các DN làm ăn chân chính, đầu tư bài bản nhưng lại bị chính những cơ sở không đủ tiêu chuẩn cố tình chiếm dụng, thu mua vỏ bình về chiết nạp, đem bán và thực hiện các thủ thuật cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Đại diện của Tổng công ty ga Petrolimex cho biết, cả nước có hàng trăm thương hiệu ga, trong quá trình phát triển cần phải tính toán và nâng cao các tiêu chí nhằm bảo đảm chất lượng và trên hết là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Việc hạ thấp chuẩn điều kiện kinh doanh sẽ thu hút nhiều DN tham gia thị trường, chắc chắn sẽ gây nguy cơ rối loạn thị trường và chất lượng ga sẽ không bảo đảm. Do đó, việc quy định trạm nạp phải thuộc một thương nhân phân phối theo quy định tại Nghị định 19/2016 là hợp lý. Bởi các trạm nạp thuê, không thuộc một đơn vị nào chính là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng tiêu cực như sang chiết nạp lậu vào bình của các đơn vị khác, chiếm dụng vỏ bình của các thương hiệu lớn, mất an toàn cháy nổ do công nghệ chiết nạp không phù hợp bình ga của các đơn vị có các bình bị trạm chiết nạp chiếm dụng,… khiến cho thị trường ga manh mún, Nhà nước không quản lý được, các hãng kinh doanh ga phải hạ thấp tiêu chuẩn, mua ga kém chất lượng để cạnh tranh hoặc phải rời bỏ thị trường.
Chúng tôi cho rằng, ga là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi yêu cầu DN đầu tư lớn, kinh doanh bài bản, có tính hệ thống trong cơ chế thị trường, với mục tiêu bảo đảm chất lượng cũng như bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Đó là yếu tố tiên quyết khẳng định uy tín, thương hiệu của DN. Chính vì vậy, các DN cần thường xuyên đầu tư trang, thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực,... để nâng cao chất lượng sản phẩm, phong cách cung cấp dịch vụ trên thị trường chứ không thể hễ gặp khó lại kiến nghị xem xét, hạ chuẩn. Các cơ quan quản lý cần xây dựng quy định khung, yêu cầu kỹ thuật cao để hạn chế tình trạng gian lận thương mại, bảo đảm tuyệt đối an toàn cháy nổ cũng như tăng cường thanh, kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Vì quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan quản lý cần kiểm soát được thị trường, nâng cao chất lượng mặt hàng ga, không thể buông xuôi, thả nổi như các loại sản phẩm khác