Chỉ còn một tháng nữa là vải thiều sớm vào vụ thu hoạch. Dự kiến như mọi năm, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của vải thiều khi mà việc tiếp cận các thị trường mới, nhất là những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Dubai rất khó khăn. Tuy nhiên niên vụ năm nay, vải thiều xuất sang thị trường Trung Quốc cần phải có nhãn mác truy xuất nguồn gốc. Và yêu cầu này đang khiến cho nhiều địa phương lúng túng tìm cách giải quyết.
Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc vải thiều
Bắt đầu từ tháng 4/2018, hoa quả Việt Nam khi xuất khẩu sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), phải tuân thủ các quy định về nhãn mác xuất xứ, nếu không đạt tiêu chuẩn quy định sẽ hủy bỏ. Theo đó, toàn bộ hoa quả
nhập khẩu vào đây phải có tem bằng tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh. Nội dung tem gồm: Tên công ty, tên mặt hàng, mã số đăng ký vườn hoa quả, mã số đăng ký nhà máy đóng gói, xuất khẩu sang nước nào, xuất xứ,
mã vạch.
Vải thiều Hải Dương năm nay dự kiến đạt sản lượng 30 nghìn tấn, trong đó khoảng 70% tiêu thụ nội địa, 30% xuất khẩu. Việc thị trường Trung Quốc năm nay yêu cầu sản phẩm có nhãn mác, tem, mã vạch, thông tin đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đang khiến địa phương này lo lắng. Thêm vào đó, diện tích được cấp mã vùng trồng đạt chuẩn xuất khẩu còn ít, các thị trường đòi hỏi qua chiếu xạ thì chi phí vận chuyển lớn, khiến giá bán lại càng khó cạnh tranh.
Ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho biết:“Năm nay nó có một cái khó khăn rất là lớn cho huyện trong việc hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm. Đó là, việc thứ nhất là sản lượng lớn. Thứ hai, đặc biệt là chỉ cần nói xuất sang Trung Quốc, một số tỉnh đã phải làm cái truy xuất nguồn gốc, rất khó khăn. Đối với một cấp tầm huyện như thế này chắc khó có thể làm được.”
Theo bà Nguyễn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên cho rằng:“Cơ sở chiếu xạ ngoài này thì tôi không rõ vận hành như thế nào nhưng nếu mà năm nay vẫn như thế này, vẫn phải chuyển vào trong kia hoặc là chỉ cho quả vải thôi thì rất là khó bởi vì quãng đường nó quá xa. Cơ sở chiếu xạ tận TP. HCM, vận chuyển vào tận đó quá là xa và tốn kém, các doanh nghiệp mà có muốn giúp Hưng Yên thì cũng khó khăn. Chưa kể quãng đường 24-25 ngày lênh đênh trên biển mà sản phẩm này là đồ tươi thì rất là khó bảo quản.”
Còn đối với Bắc Giang, địa phương có diện tích vải thiều lớn nhất nước, dự kiến sản lượng năm nay đạt 150 đến 180 nghìn tấn. Chính
sách nhập khẩu của Trung Quốc thay đổi cũng khiến địa phương này lo lắng khi 80% sản lượng vải thiều xuất khẩu của Bắc Giang là sang thị trường Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, đây là chính sách mới, các cơ quan doanh nghiệp sản xuất vải thiều của tỉnh đang rất cần những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Nếu không giải quyết được sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác tiêu thụ vải thiều năm 2018. Tất nhiên theo báo cáo của Bộ đến giờ phút này thì vẫn thông qua bình thường nhưng chính sách này ảnh hưởng đến vụ vải thiều năm nay là điều chắc chắn.
Trong khi đó, cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn khẳng định, các địa phương cần tuần thủ yêu cầu này theo quy trình nghiêm ngặt nhất để đảm bảo thị trường xuất khẩu ổn định cho quả vải.
Trao đổi ANTV, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, việc này thì không mới nên vậy là các doanh nghiệp cùng các doanh nghiệp nước ngoài cùng phối hợp kết hợp với chúng ta như thế nào. Do đó để tuân thủ theo cái vấn đề là truy xuất nguồn gốc để quản lý chặt chẽ về mặt chất lượng. Một cái vấn đề nữa là chúng ta cần phải tập trung chính vấn đề chăm sóc và thứ hai nữa là bảo đảm vấn đề là, các quy trình cần tuân thủ một cách nghiêm ngặt nhất, đặc biệt là các thị trường khó tính. Hơn nữa là các doanh nghiệp cũng nên nắm bắt thông tin, đặc biệt là nguồn gốc truy xuất hiện nay. Bảo sao là khi mang đi xuất khẩu là tất cả chúng ta, các doanh nghiệp xuất khẩu đều có các cái tem dán mà phía Trung Quốc hiện nay đã được cấp 8 loại quả rồi.
|
Việc xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc khiến nhiều địa phương lúng túng tìm cách giải quyết |
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2018, Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian qua, về góc độ sản xuất, nhiều vùng đã tăng cường mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và Global Gap nên chất lượng được đảm bảo, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Và để tiêu thụ tốt cần tăng cường kết nối giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp thu mua, phân phối, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu về việc truy xuất nguồn gốc.
Hiện tại nhiều địa phương hiện chưa tiếp cận được các doanh nghiệp có tiềm lực xuất khẩu để thực hiện kinh doanh thông qua hợp đồng kinh tế mà chủ yếu là thương lái từ Trung Quốc trực tiếp sang Việt Nam chọn lọc và mua vải thiều. Cộng thêm việc từ tháng 4 năm nay phải đảm bảo về truy xuất nguông gốc trước khi xuất khẩu, chính là những khó khăn lớn nhất đối với bà con trồng vải trong niên vụ năm nay, cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các Bộ, Ngành liên quan./