Blockchain (chuỗi khối) là công nghệ được giới thiệu trên thế giới từ năm 2008. Đây được xem là một trong những công nghệ hiện đại được các nước trên thế giới nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Việt Nam cũng đã triển khai một số chương trình nghiên cứu để hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain nhằm phát triển ngành công nghệ thông tin, đáp ứng sự phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.
Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản với mục tiêu xây dựng thương hiệu nông sản trên thị trường quốc tế.
* Đồng Nai đi tiên phong
Vào năm 2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định áp dụng 3 hệ thống công nghệ 4.0 về quản lý đàn và thông tin chống dịch khẩn cấp; truy xuất nguồn gốc và xây dựng vùng dịch bệnh an toàn trong lĩnh vực chăn nuôi.
Trong đó, Đồng Nai đã được Tổng cục Thống kê Việt Nam chọn làm thí điểm triển khai hệ thống Te-Food với công nghệ blockchain (phần mềm quản lý chăn nuôi theo chuỗi, khối) để quản lý đàn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Nếu thành công, Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước, thậm chí đi tiên phong của thế giới ứng dụng công nghệ blockchain trong thống kê và quản lý đàn chăn nuôi.
Theo TS.Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Te-food International là người đứng đầu của đơn vị tư vấn triển khai hệ thống Te-food với công nghệ Blockchain tại Đồng Nai, nông sản Việt Nam hiện đang gặp những thách thức lớn như: thực phẩm không rõ nguồn gốc, lạm dụng thuốc trừ sâu, ngộ độc thực phẩm, thực phẩm trữ đông quá hạn…
Truy xuất nguồn gốc nông sản đang là nhu cầu có thực của thị trường hiện nay. Cụ thể, thị trường tiêu thụ lớn TP.Hồ Chí Minh đã yêu cầu mặt hàng thịt heo và nhiều loại nông sản khác phải truy xuất được nguồn gốc từ nhiều năm nay. Hiện nhiều tỉnh, thành như: Đồng Nai, Cần Thơ, Cà Mau... cũng đang quan tâm thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản. Từ ngày 1-1-2020, Luật Chăn nuôi sẽ có hiệu lực và việc báo cáo tổng đàn, báo cáo dịch bệnh sẽ là bắt buộc. Áp dụng hệ thống Te-food với công nghệ blockchain sẽ hỗ trợ cho cả người chăn nuôi lẫn cơ quan quản lý.
Ông Trung cho biết thêm, một lợi thế rất lớn khi thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ hiện đại là nông dân nuôi được con gà, con heo, con tôm sạch sẽ có chứng chỉ, có thương hiệu để bán được với giá cao. Với công nghệ 4.0, nông dân muốn trồng cây gì, nuôi con gì có thể hỏi trí tuệ nhân tạo để có câu trả lời. Ngoài thịt heo, tất cả nông sản khác đều có thể được truy xuất nguồn gốc thông qua công nghệ blockchain. “Mục tiêu của việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp, đặc biệt trong truy xuất nguồn gốc là làm ra nông sản sạch, xuất khẩu với giá cao. Người tiêu dùng thế giới có thể tự truy xuất nguồn gốc và tin tưởng, thích thú với nông sản “made in Vietnam” - ông Trung nói.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đánh giá, công nghệ blockchain là cả hệ thống giúp quản lý đàn chăn nuôi; quản lý dịch bệnh và quản lý truy xuất chuỗi cung ứng. Công nghệ này là giải pháp hữu hiệu trong quản lý chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn dịch tả heo châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp hiện nay. Đồng Nai sẽ tích cực triển khai ngay công nghệ này vào thực tế theo đúng lộ trình đề ra. “Nội dung cần quan tâm hàng đầu là tuyên truyền về những lợi ích thiết thực của chương trình để thuyết phục người chăn nuôi chủ động tham gia” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh.
* Cần chuẩn bị kỹ
Là địa phương từng triển khai thí điểm ứng dụng hệ thống Te-food với công nghệ blockchain vào thực tế, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Đình Cương chỉ ra những khó khăn, trong đó các trang trại chăn nuôi lớn đã quan tâm thực hiện truy xuất nguồn gốc cho heo nhưng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn lơ là. Người chăn nuôi vẫn e ngại trong khai báo thông tin về chăn nuôi hoặc cung cấp thông tin chưa chính xác. Cần có chính sách hỗ trợ song song để khuyến khích người chăn nuôi trung thực trong thống kê đàn.
|
Đồng Nai đi tiên phong thí điểm chương trình ứng dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc và quản lý đàn heo. Ảnh: B.Nguyên |
Chuyên gia Kimble Ngo, tư vấn dự án giải pháp blockchain tại Công ty TNHH AMBlockchain (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, blockchain là công nghệ mới giúp lưu trữ và truyền tải thông tin giữa các bên liên quan, có thể giúp tránh gian lận trong kinh doanh. Blockchain có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông... Đây là một trong những công nghệ được cho là nòng cốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cũng theo ông Kimble Ngo, môi trường kinh doanh ở Việt Nam chưa đủ minh bạch, nhiều thông tin còn mù mờ, luật pháp quy định cũng không rõ ràng. Ứng dụng công nghệ blockchain giúp ngăn chặn các ý đồ xấu trong giao dịch, biến nó thành công cụ giúp cho môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên minh bạch hơn. “Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là công nghệ này chưa phổ biến ở Việt Nam nên cần thời gian cho các doanh nghiệp, tổ chức tìm hiểu và tiếp cận” - ông Kimble Ngo nói.
Chuyên gia Hoàng Ngọc Gia Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn CEO K35 (quận 2, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ thêm, blockchain có nhiều dạng, có thể sử dụng bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu người dùng. Công nghệ này vừa thể hiện được tính minh bạch, công khai trong quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, công khai chất lượng và nâng cao giá trị sản xuất, vừa đồng thời đảm bảo tính bảo mật cho người dùng trên toàn hệ thống. Một đặc điểm nổi bật là khó có thể thay đổi thông tin dữ liệu, do vậy góp phần nâng cao ý thức người dùng đối với chất lượng sản phẩm và việc công bố chất lượng lên hệ thống. “Tuy nhiên, để đưa vào ứng dụng rộng rãi blockchain trong cuộc sống, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực, hệ sinh thái chung” - ông Long nói.