0908.326.779 - 0906.362.707
 

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang bị hiểu sai

15/11/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang bị hiểu sai
Trên một sản phẩm có dán mã QR code chỉ cung cấp thông tin, chưa thể hiện được chuỗi liên kết của hàng hóa để truy trách nhiệm cuối cùng

"Hiện tại tôi thấy có khoảng 95% sản phẩm đang được bày bán ở các siêu thịcửa hàng được gắn mã QR code, được quảng bá đó là truy xuất nguồn gốc. Nhưng thực tế như vậy mới chỉ là truy xuất thông tin", ông Lê Đại Dương, Giám đốc Công ty  TNHH VN Trade – đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc, chia sẻ thông tin tại tọa đàm do Chất lượng Việt Nam Online, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức ngày 13/11. Theo ông Dương, có tình trạng nhiều người hiểu biết mơ hồ rằng truy xuất nguồn gốc là trên sản phẩm có mã QR code, nhưng với thông tin này sẽ không phân biệt được sản phẩm truy xuất nguồn gốc thật hay giả. 

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang bị hiểu sai
 

Để đảm bảo điều kiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện về truy xuất nguồn gốc của GS1 toàn cầu. Truy xuất nguồn gốc chuẩn phải đảm bảo các yếu tố: Thứ nhất là chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Khi truy xuất nguồn gốc có nghĩa chúng ta truy được sản phẩm đó có quá trình hình thành như thế nào, vận chuyển ra sao. Khi truy xuất chúng ta phải thấy được toàn bộ chuỗi quá trình mà tất cả các đơn vị tham gia vào việc tạo ra sản phẩm. Thứ hai, thông tin của sản phẩm khi truy xuất phải thể hiện giống như đã công bố lưu hành. Thứ ba cần có sự kiểm tra, giám sát của bên thứ ba trong toàn bộ chuỗi quá trình tạo ra sản phẩm đó (các giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, các giấy chứng nhận về chất lượng, các loại giấy đánh giá). Đó là tất cả hồ sơ của bên thứ ba và cũng là một phần trong chuỗi liên kết đó. Thứ tư cần phải có nhật ký điện tử về toàn bộ quá trình hình thành ra sản phẩm.

Những tài liệu này để chứng minh toàn bộ quá trình tạo ra cũng như luân chuyển sản phẩm (ví dụ thông tin trồng loại giống gì, trồng ở đâu, sử dụng loại phân gì, quá trình sơ chế biến ra sao) có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, trong quá trình vận chuyển hàng hóa được bảo quản ra sao, có ảnh hưởng tới chất lượng hay không?. Trong quá trình vận chuyển đến tay người tiêu dùng có bị biến đổi về chất lượng hay không?. "Nếu trong quá trình trên chất lượng sản phẩm bị biến đổi thì người tiêu dùng có thể thông qua truy xuất nguồn gốc để xác định chính xác vấn đề nằm ở đâu để quy trách nhiệm. Khi quy được trách nhiệm sẽ nâng cao ý thức của toàn bộ những người tham gia chuỗi đó", ông Dương nói.

Hiện ở Việt Nam, hoạt động truy xuất nguồn gốc đã được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau, ví dụ: ISO 9000, ISO 22005... Đây là những tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc của GS1 toàn cầu. ‘Tuy nhiên, hoạt động này còn mang tính khép kín, chưa thống nhất và "loạn tem", bà Nguyễn Thị Mai Hương, Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ nói. Theo bà Hương, nguyên nhân do tem truy xuất chưa thống nhất về nội dung, hình thức; sự truy xuất mới là mã nội bộ, chỉ có khả năng truy xuất trong hệ thống đơn vị đó, chưa có tính mở để kết nối với bên ngoài. Quan trọng hơn, hiện chưa có quy định về trách nhiệm của các bên liên quan.

Hồi tháng 1/2019, Chính phủ đã phê duyệt Đề án áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, sẽ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thống nhất trong cả nước. Cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia cũng được xây dựng và vận hành.  "Chúng tôi đang xây dựng cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia trước mắt là nhóm rau, củ quả... Tổng cục cũng phối hợp với các công ty giải pháp, nghiên cứu công nghệ mới trong đó có Blockchain, IoT, bigdata... ứng dụng vào quản lý và truy xuất nguồn gốc. Trong quý I/2020, chúng tôi sẽ ban hành những tiêu chuẩn mới về truy xuất nguồn gốc", bà Hương nói.

Hải Việt