0908.326.779 - 0906.362.707
 

Mở rộng ứng dụng mã số mã vạch hàng hóa

04/11/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Mở rộng ứng dụng mã số mã vạch hàng hóa
Ngày 2/11, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả ứng dụng mã số mã vạch (MSMV) đối với các sản phẩm, hàng hóa trong siêu thị Việt Nam”

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc áp dụng mã số mã vạch trong hệ thống siêu thị sẽ tiết kiệm chi phí, kiểm soát tốt dòng tiền, chất lượng sản phẩm hàng hóa được công khai minh bạch hơn.

Nhiều ưu điểm vượt trội

Theo nhận định của ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ra đời từ những năm của thập kỷ 70 của thế kỷ trước, được áp dụng bán hàng đầu tiên ở 1 cửa hàng tự chọn ở nước Mỹ, thời gian qua MSMV đã chứng minh chức năng của mình là một trong những công cụ đắc lực phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh và quản lý của các doanh nghiệp (DN) theo hướng văn minh, hiện đại, minh bạch, công khai và hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc áp dụng MSMV ngày càng phổ biến với quy mô lớn hơn, các chức năng của MSMV được mở rộng như: Thanh toán tiền hàng cho khách, quản lý giá, dự trữ hàng hóa, chất lượng hàng hóa và hạn sử dụng, phát hiện hàng giả, công tác kho vận (logistic)...  MSMV không chỉ áp dụng vào khâu bán lẻ mà còn lan tỏa sang các lĩnh vực khác như ăn uống, chăm sóc sức khỏe, quản lý hành chính, bảo mật... 

Còn theo ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, công nghệ MSMV được đưa vào ứng dụng tại Việt Nam từ năm 1995 và được Chính phủ giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Hiện MSMV là công cụ tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý tự động của đa ngành, đặc biệt MSMV được ứng dụng trong chuỗi cung ứng đem lại hiệu quả cho hoạt động quản lý bán hàng tại siêu thị, quản lý xuất nhập tại các kho và trung tâm phân phối...

Hiện nay, có khoảng 23.000 DN Việt Nam đã đăng ký sử dụng MSMV, tạo thuận lợi cho hàng triệu sản phẩm của Việt Nam gắn MSMV đầu 893 lưu thông trên thị trường trong nước và quốc tế. Ứng dụng MSMV trong chuỗi cung ứng đã tạo nên phương thức bán hàng văn minh, đáp ứng khách hàng hiệu quả, hàng hóa lưu thông thông suốt, giảm lao động thủ công, đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Cũng theo ông Trần Văn Vinh, ghi nhận thực tế trên thị trường cho thấy, phần lớn các siêu thị đều quan tâm đến công tác MSMV trong mua bán hàng hóa, đưa thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng. Hiện trên thị trường nhiều đơn vị tư nhân đã sử dụng máy quét mã sản phẩm. Tuy nhiên, trong tương lai các cơ quan chức năng cần chủ động đầu tư hệ thống máy quét, máy in đồng bộ, để quản lý chặt chẽ, dễ dàng hơn.

Cần sử dụng rộng rãi công nghệ MSMV

Bà Trương Thị Thạch - Phó giám đốc Công ty Siêu thị Hà Nội chia sẻ, hiện tại, tại Việt Nam việc ứng dụng công nghệ MSMV mới chỉ dừng ở việc cấp mã số doanh nghiệp, hướng dẫn DN in ấn số mã vạch trên sản phẩm, hàng hóa để phục vụ bán hàng, còn chưa triển khai ứng dụng các loại MSMV trên các đơn vị giao nhận, vận chuyển, trong trao đổi dữ liệu điện tử.

Trong khi đó, trên thực tiễn số lượng các DN ứng dụng công nghệ MSMV vẫn chiếm tỷ lệ thấp, số lượng hàng hóa của Việt Nam sử dụng MSMV chưa nhiều. Việc ứng dụng công nghệ MSMV còn chậm, chưa hiệu quả, đôi khi tự phát, chưa có sự hướng dẫn về công nghệ và kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước, đôi khi các DN đã nhận phải các thiết bị in đọc phần mềm MSMV lạc hậu so với tiêu chuẩn quốc tế hiện hành. Bên cạnh đó, hoạt động quản lý MSMV vẫn chưa được thống nhất.

Trước thực trạng này, bà Trương Thị Thạch đề xuất, cần sử dụng rộng rãi công nghệ MSMV trong các lĩnh vực cần thiết của đời sống (ứng dụng các MSMV trên các đơn vị giao nhận, vận chuyển, trong trao đổi dữ liệu điện tử). Từ đó tăng số lượng các DN sử dụng mã vạch, giúp tăng tốc độ xử lý hàng hóa và hiệu quả trong kinh doanh, cập nhật các công nghệ nhận dạng mã vạch, tiến tới quản lý thống nhất hệ thống mã vạch.

Ông Phạm Ngọc Hùng - Phó chủ tịch Quỹ Chống hàng giả Việt Nam nêu ý kiến, hiện nay các cơ quan chức năng đang rất vất vả trong thực thi công tác chống hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu… Nếu việc ứng dụng MSMV được triển khai đồng bộ cho nhiều loại sản phẩm hàng hóa trên địa bàn cả nước, sẽ tạo sự liên kết có hệ thống, quản lý chặt chẽ, quy củ hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí phát sinh.

Còn ông Vũ Vinh Phú cho rằng, chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, nên việc ứng dụng các công nghệ mới, với hàm lượng chất xám cao là điều thiết yếu. Công tác đưa MSMV vào đời sống người tiêu dùng, thói quen mua hàng của từng người dân, hộ gia đình nhỏ lẻ cần được các cơ quan chức năng quan tâm thực hiện để hướng đến một xã hội văn minh, tiêu dùng thông minh./

Đức Việt