Theo chị Phạm Thị Hạnh, chủ một ki ốt bán quần áo, túi xách tại chợ Mai Động, việc kinh doanh của gia đình đã kéo dài hơn 10 năm, thu nhập ổn định nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc chuyển đổi thành doanh nghiệp để mở rộng quy mô hoạt động, tăng doanh thu. Nguyên nhân chủ yếu là rào cản tâm lý, bởi nếu phát triển thành doanh nghiệp sẽ phải thuê thêm nhân lực, tổ chức quản trị và tuân thủ một loạt quy định, chưa kể chi phí hoạt động cao hơn mô hình hộ cá thể. "Duy trì hoạt động kinh doanh hộ cá thể thì mọi nỗi lo nói trên gần như không có, chúng tôi chỉ nộp thuế khoán, rất nhanh gọn, dễ áp dụng" - chị Hạnh chia sẻ.
Đáng lưu ý là hiện các phòng đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố chưa phân loại đối tượng thành lập doanh nghiệp, thống kê số lượng hộ cá thể “nâng cấp” quy mô thành doanh nghiệp. Theo đại diện một số quận, việc vận động hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vì việc đăng ký sẽ mất thời gian và chi phí. Vấn đề tuyển dụng, sa thải lao động hoặc giải thể doanh nghiệp cũng phải theo đúng quy định, trong khi với hộ kinh doanh cá thể chế độ sổ
sách kế toán và hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập đơn giản; lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập doanh nghiệp.
Chưa kể, một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp phải chuyển đổi
giấy phép kinh doanh có điều kiện, như giấy chứng nhận
vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận bán lẻ rượu, thuốc lá… Đáng nói là hiện chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể nên chưa khuyến khích sự tự nguyện của hộ kinh doanh.
Trước băn khoăn của các hộ kinh doanh về chi phí gia tăng khi trở thành doanh nghiệp, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, theo quy định hiện nay, việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chỉ thực hiện tối đa 1 lần/năm; đồng thời doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh được hưởng các ưu đãi như doanh nghiệp khởi nghiệp.
"Cục Thuế Hà Nội đang xây dựng đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2017-2020”, với mục tiêu cung cấp các thông tin pháp lý, chính sách, thủ tục về thuế ban đầu; các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Trước mắt, Cục Thuế TP Hà Nội tập trung tuyên truyền về các lợi ích hộ kinh doanh được hưởng khi chuyển thành doanh nghiệp" - ông Mai Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, các thủ tục đăng ký kinh doanh, hồ sơ pháp lý, hướng dẫn kê khai thuế, thông báo phát hành hóa đơn, vấn đề quản trị doanh nghiệp, quyết toán thuế, các vướng mắc và sai sót thường gặp khi mới thành lập doanh nghiệp… sẽ được biên soạn, phát hành, đăng tải trên website của Cục Thuế TP Hà Nội (http://hanoi.gdt.gov.vn) để người nộp thuế có thể tra cứu và dễ dàng thực hiện. Chuyên mục hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập cũng được mở trên Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội (http://hanoi.gov.vn), với các nội dung, tài liệu hướng dẫn quy trình thủ tục thuế, từ việc ghi chép, lưu trữ sổ sách kế toán, chứng từ đến thông báo phát hành hóa đơn, đăng ký mã số thuế, kê khai thuế.
Những giải pháp trên nhằm hướng đến mục tiêu của thành phố có thêm 200.000 doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 2016-2020