0908.326.779 - 0906.362.707
 

Thực phẩm chay có thực sự an toàn?

30/08/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Thực phẩm chay có thực sự an toàn?
Phong trào sử dụng thực phẩm chay đang ngày càng lan rộng. Nhiều người lựa chọn thực phẩm chay bởi quan niệm ăn chay tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, các món ăn “chay giả mặn”, được bổ sung nhiều gia vị, hương liệu, chất bảo quản liệu có thực sự an toàn?

Thực phẩm chay ngày càng đa dạng

Hiện nay tại các siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, các mặt hàng thực phẩm chay chế biến sẵn hay các gia vị chế biến đồ chay được bán rất nhiều. Các loại thực phẩm chay rất phong phú, từ nem, giò, chả, tới thịt, cá, tôm chay, mực chay... với giá bán dao động từ vài chục nghìn đến mấy trăm ngàn/kg tùy loại. Ngoài ra, trên thị trường cũng bán đủ các loại gia vị chuyên để nấu cơm chay và cỗ chay như xì dầu, nước mắm chay, các loại xốt chay...

Hiện Việt Nam cũng như một số nước châu Á đang có trào lưu ăn chay vì mục đích tín ngưỡng, tôn giáo; ăn chay để thanh lọc cơ thể, phòng tránh bệnh tật; ăn chay để giảm cân.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho rằng, ăn chay là chế độ ăn gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau, củ, quả, các loại hạt... Ăn chay có nhiều chất xơ và có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Chất xơ trong thực phẩm chay giúp chống táo bón, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm cholesterol...

Tuy nhiên, hiện nay, ngoài những món ăn chay truyền thống, nhà sản xuất, kinh doanh đã chế biến thêm nhiều thực phẩm chay đóng gói sẵn. Thậm chí, các món ăn chay ngày càng phong phú, đa dạng không kém gì các món ăn mặn.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thực phẩm chay thông thường được làm từ đậu nành, rau, củ, quả. Tuy nhiên, để bảo đảm độ dai, bảo quản được lâu và có mùi cũng như hình thù giống với các loại thực phẩm mặn, các nhà sản xuất, chế biến phải cho thêm hóa chất tạo mùi, màu, chất định hình, phụ gia và chất chống ẩm mốc vào các thành phẩm.

Việt Nam cũng đã có quy định về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và ban hành danh mục các chất phụ gia thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có ghi rõ tên các chất phụ gia được phép dùng với giới hạn tối đa trong từng loại thực phẩm.

Nếu sử dụng đúng loại, đúng liều lượng, các phụ gia thực phẩm có tác dụng tích cực, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với sở thích và khẩu vị của người tiêu dùng, giữ được chất lượng toàn vẹn của thực phẩm cho tới khi sử dụng, làm tăng giá trị thương phẩm trên thị trường...

Tuy nhiên, có những cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận nên sẵn sàng sử dụng các loại phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm, có giá thành thấp để chế biến đồ ăn chay, hoặc nhập khẩu những sản phẩm chay không nhãn mác, không thời hạn sử dụng để bán... gây tác hại cho sức khỏe con người.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không đúng chủng loại, nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm, sẽ gây tác hại không nhỏ cho sức khỏe.

Cụ thể là gây ngộ độc cấp tính nếu dùng quá liều cho phép và gây ngộ độc mạn tính dù dùng liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, liên tục (một số phụ gia tích lũy trong cơ thể gây tổn thương lâu dài, đặc biệt là loại phụ gia bị cấm). Có thể kể đến hội chứng ngộ độc mạn tính như ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao...

Cách nào lựa chọn thực phẩm chay an toàn?

Để tránh những nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người từ thực phẩm chay, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, trong quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm trên thị trường, cơ quan chức năng cũng tiến hành kiểm tra các mặt hàng thực phẩm chay, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm về độ an toàn để kịp thời cảnh báo với người tiêu dùng.

Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần tự trang bị các kiến thức về an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Khi mua thực phẩm chay, người dân cần chú ý tới màu sắc của sản phẩm, tránh mua thực phẩm đã bị ngả màu, mốc, thực phẩm tẩy trắng hay sản phẩm chế biến sẵn dùng nhiều phẩm màu.

Khi chọn thực phẩm chay khô hoặc đã chế biến sẵn ăn liền, người tiêu dùng nên tìm chọn những thương hiệu có uy tín, lâu năm, đặc biệt là có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng. Đối với thực phẩm chay ngoại nhập, cần mua hàng có nguồn gốc rõ ràng, có tem nhãn phụ, hạn sử dụng...

Còn theo bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), biện pháp tốt nhất là nên tự chế biến món ăn chay từ rau củ tươi, các loại đậu, đỗ, không nên lạm dụng những món ăn “chay giả mặn” có tên gọi hấp dẫn được chế biến với nhiều phụ gia, phẩm màu cho giống với các món mặn.

Các nhà sản xuất, kinh doanh cũng không nên vì lợi nhuận mà chế biến các món “chay giả mặn” được bổ sung các thành phần phụ gia không an toàn, bởi làm như vậy tức là chúng ta đang ngầm đầu độc người tiêu dùng bằng cách đưa các hóa chất vào cơ thể, gây hại cho sức khỏe.

PHAN TUẤN