Chợ truyền thống là nơi cung cấp nguồn thực phẩm thường xuyên cho hầu hết người dân. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là mối quan tâm lớn của cơ quan chức năng và người tiêu dùng.
Những năm qua, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, các chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình được đầu tư xây dựng, nâng cấp, tạo điều kiện cho người dân trao đổi, mua bán.
Tuy nhiên, với đặc thù là nơi bày bán nhiều thực phẩm thiết yếu, từ đồ tươi sống đến thức ăn chín, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ gặp không ít khó khăn.
Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình lấy mẫu kiểm tra nhanh tại chợ trung tâm thị xã Ba Đồn (Quảng Bình). Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Cuối năm 2017, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với cơ quan liên quan triển khai hoạt động kiểm nghiệm nhanh về an toàn thực phẩm tại các chợ trung tâm trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng.
Bà Ngô Thị Bình, tiểu thương chợ Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, cho biết việc cơ quan chức năng về các chợ để lấy mẫu kiểm tra chất lượng thực phẩm là rất thiết thực, người dân đồng tình ủng hộ. Bản thân bà buôn bán thịt lợn cũng mong muốn cơ quan chức năng lấy mẫu để kiểm tra, qua đó biết được sản phẩm của mình có đảm bảo chất lượng hay không, từ đó có những điều chỉnh nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Còn theo bà Đinh Thị Mai Thủy, tiểu thương chợ Ba Đồn, Quảng Bình, việc cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm tại các chợ, đặc biệt là tổ chức lấy mẫu kiểm tra nhanh, góp phần nâng cao nhận thức của người mua và người bán.
Trước đây, việc sản xuất, chế biến các mặt hàng như bánh đúc, bánh xèo, giò, chả… các tiểu thương chỉ quan tâm đến mẫu mã.
Tuy nhiên, khi được cơ quan chức năng tuyên truyền, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, tiểu thương đã dần thay đổi nhận thức, không sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, chú trọng hơn vấn đề an toàn thực phẩm.
Sau 2 năm triển khai, chương trình lấy mẫu kiểm tra nhanh được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình phối hợp với các cơ quan mở rộng tại 5/8 huyện, thành phố, mang lại hiệu quả khá tốt. Chất lượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất trên địa bàn thời gian qua được kiểm soát.
Toàn tỉnh không phát hiện việc sử dụng chất cấm (Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamine) thuộc nhóm Beta-agonist, kháng sinh cấm và các chất tạo màu vàng ô trong chăn nuôi, hàn the, formol trong sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, cấm sử dụng trong sản xuất rau quả...
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình kiểm tra nhanh mẫu thực phẩm. Ảnh: Văn Tý-TTXVN
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình cho biết, việc lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm nhanh tại các chợ trung tâm là một trong những hoạt động giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn tỉnh do Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện.
Thông qua kết quả kiểm nghiệm, đơn vị kịp thời thông tin cho cộng đồng, cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm có sản phẩm đạt chất lượng.
Đối với các sản phẩm thực phẩm không đạt yêu cầu, sẽ thông tin đến cơ quan chức năng liên quan như Ban quản lý chợ, UBND các huyện, thành phố để chỉ đạo truy xuất, kiểm soát, đồng thời cảnh báo kịp thời đến người tiêu dùng.
Riêng 6 tháng đầu năm 2019, đơn vị thực hiện kiểm tra nhanh hơn 1.500 mẫu, chỉ phát hiện 54 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Cụ thể, ở tuyến tỉnh, trong số 668 mẫu, cơ quan chức năng phát hiện 7 mẫu không đạt, tuyến huyện, thành phố lấy hơn 900 mẫu có 47 mẫu không đạt.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ truyền thống là việc quan trọng góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm ở các chợ truyền thống hiện nay vẫn khó quản lý.
Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần nhận thức đầy đủ các mối nguy hiểm từ việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn, đồng thời trang bị cho bản thân một số nguyên tắc chung khi mua sắm như ưu tiên chọn mua sản phẩm có nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng, hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn./