Mặc dù 70% mặt hàng thực phẩm tươi sống được bán tại chợ truyền thống, song tại các siêu thị, doanh thu từ những mặt hàng nông sản thực phẩm cũng ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) ngày càng được quan tâm, chú trọng hơn
Theo số liệu của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước hiện có 8.475 chợ, 1.007 siêu thị, 212 trung tâm thương mại và khoảng hơn 2 triệu cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ của hộ gia đình. Ngoài ra, còn hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển nhanh, được phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho biết, sự phát triển nhanh của hệ thống phân phối trong nước mặc dù đem đến nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhưng cũng tồn tại những hạn chế, khó khăn cần được khắc phục để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó có vấn đề dinh dưỡng cho sức khỏe cộng đồng.
Để bảo đảm ATTP, thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước đã làm đầu mối, phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện tư vấn, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP, mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở bảo đảm ATTP ngành Công Thương. Mục tiêu của hoạt động nhằm khuyến khích và hướng dẫn các chợ, cơ sở kinh doanh thực phẩm áp dụng những phương thức quản lý tiên tiến, các quy định phù hợp với quy định của pháp luật và bảo đảm ATTP trong kinh doanh như HACCP, ISO, tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm.
Bộ Công Thương cũng đã hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP tại 55 địa phương và 13 mô hình chuỗi cửa hàng kinh doanh bảo đảm ATTP đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000:2005 đối với siêu thị tổng hợp, cửa hàng sữa, cửa hàng bánh ngọt. Sau khi được Bộ Công Thương hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm chợ ATTP, một số địa phương đã quan tâm bố trí ngân sách để triển khai nhân rộng mô hình, tiêu biểu như: Thanh Hóa 2 mô hình và hỗ trợ 35 chợ hoàn thành để công bố chợ đạt chuẩn TCVN 11856:2017 - chợ kinh doanh thực phẩm; Ninh Bình 3 mô hình; Hòa Bình 5 mô hình; Tiền Giang 2 mô hình; Bà Rịa - Vũng Tàu 3 mô hình; TP. Hồ Chí Minh năm 2019 cũng đã lựa chọn mỗi huyện 1 chợ để nhân rộng mô hình.
Nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm, nông sản an toàn tại các địa phương; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản, đặc trưng, bảo đảm an toàn của các vùng, miền, Bộ Công Thương còn tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng, miền tại hệ thống các siêu thị lớn thuộc nhiệm vụ kết nối nguồn hàng thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối tại địa phương… Bên cạnh đó, cũng phối hợp với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố với các tỉnh, thành phố Đông - Tây Nam bộ. Qua 5 năm triển khai, đã có 1.349 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, tập trung vào hàng thực phẩm an toàn được ký kết giữa các địa phương, giao thương 2 chiều doanh thu đạt 22.132 tỷ đồng.
Năm 2019, Bộ Công Thương phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mô hình chợ bảo đảm ATTP và xây dựng thêm 5 mô hình cơ sở kinh doanh bảo đảm ATTP. |