0908.326.779 - 0906.362.707
 

Hà Nội xử lý mạnh với thực phẩm bẩn

01/07/2019    4.6/5 trong 5 lượt 
Hà Nội xử lý mạnh với thực phẩm bẩn
Hiện nay, thực phẩm bẩn không chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh trong nước. Trước thực trạng này, từ ngày 10.7, Hà Nội sẽ đồng loạt thanh tra an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn thành phố (TP)
Về tình hình quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội cho biết, TP. Hà Nội quản lý khoảng 66.531 cơ sở thực phẩm.
 
Về công tác thanh tra, kiểm tra, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho hay, từ đầu năm đến nay, Sở đã thành lập 712 đoàn kiểm tra. Thanh tra Sở Y tế đã phạt tiền 266 cơ sở với tổng số tiền là 1.092.874.000đồng. 6 tháng đầu năm không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm nào trên địa bàn.
 
Mùa hè nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, phát sinh dịch bệnh. UBND TP vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác ATTP TP, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” đến hết năm 2019. Theo đó, từ ngày 10.7, TP sẽ triển khai thanh tra đồng loạt về ATTP.
 
TP yêu cầu tăng cường quản lý ATTP từ các tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo chất lượng ATTP, không để thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, các chất bảo quản, chất tạo màu độc hại lưu thông trên thị trường...
 
Vẫn còn những bất cập...
 
Mặc dù được UBND TP. Hà Nội quan tâm, song những nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu, đe dọa an toàn sức khỏe cộng đồng. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do bất cập trong quy định quản lý Nhà nước hiện hành.
 
Trong hơn 1 tháng qua, các lực lượng thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại trên 429 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Qua thanh, kiểm tra, đã phát hiện 52 cơ sở có các hành vi vi phạm; ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với 27 đơn vị với tổng số tiền trên 171 triệu đồng.
 
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, cán bộ làm công tác ATTP tuyến cơ sở chủ yếu dựa vào lực lượng nhân viên thú y, bảo vệ thực vật tại các xã, phường, thị trấn và cán bộ Phòng Kinh tế các quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, lực lượng này lại thường xuyên thay đổi, chuyên môn cũng chưa phù hợp, dẫn đến công tác tham mưu cho chính quyền địa phương để triển khai nhiệm vụ chưa hiệu quả.
 
Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng chia sẻ, chi phí đánh giá chứng nhận và duy trì các tiêu chuẩn VietGAHP, HACCP, ISO 22000,... hiện nay còn cao, trong khi, nông sản đầu ra vẫn khó tiêu thụ nên chưa khuyến khích được nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện. Đặc biệt, một số chỉ tiêu ATTP như: Leucomalachite Green, Malachite Green, Enrofloxacine, Chloramphenicol, Ciprofloxacin, Enrosulfan,... là chất cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp theo quy định của Bộ NNPTNT nhưng lại chưa có quy định trong sản phẩm thực phẩm do Bộ Y tế ban hành. Điều này đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về ATTP.
 
Để thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP, Sở NNPTNT Hà Nội kiến nghị, các bộ, ngành cần sớm nghiên cứu, có hướng dẫn cụ thể việc thanh, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc đối với động vật, sản phẩm động vật nội tỉnh. Rà soát, bổ sung, ban hành danh mục, chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng theo Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT và Thông tư 03/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT.
 
Sở NNPTNT cho rằng, các bộ, ngành cần phối hợp, nghiên cứu tham mưu Chính phủ chuyển đổi toàn diện phương thức quản lý Nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Có lộ trình bắt buộc áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO 22000,... Đồng thời, bãi bỏ việc cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh và chuyển dần từ phương pháp quản lý hành chính công sang cung cấp dịch vụ hành chính công. Điều này sẽ tạo cơ chế có sự tham gia, giám sát của người dân trong cung cấp thông tin kịp thời để cơ quan chức năng xử lý vi phạm về ATTP.
 
Thủ tục cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định của ngành y tế tưởng chừng đã đi vào nền nếp, thế nhưng gần 6 tháng qua tại quận Hà Đông, Hà Nội không thể cấp được. Bởi Thông tư 15 của Bộ Y tế đã bị bãi bỏ, nhưng không có văn bản nào hướng dẫn. Không cấp được, cũng đồng nghĩa với việc không có chế tài xử phạt khi các cá nhân, cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Theo báo cáo của quận Hà Đông, Nghị định 115 của Chính phủ về xử phạt hành chính lĩnh vực ATTP có hiệu lực từ ngày 20.10.2018 có nhiều thay đổi và cũng không có hướng dẫn, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử phạt. Do đó, đối với những cơ sở chưa có đủ thủ tục pháp lý cũng không có cơ sở để yêu cầu người dân thực hiện
HẢI NGUYỄN