10/06/2019
4.6/5 trong 5 lượt Hiện nay, với mục tiêu quản lý chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ trên thị trường, ngành Nông nghiệp Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát sản phẩm nông, lâm, thủy sản ở chợ đầu mối, cửa hàng thực phẩm sạch... Qua đó, các ngành chức năng xử lý kịp thời những vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Còn bất cập
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, xác định những mặt hàng có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm như rau, thịt... từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Đoàn liên ngành quận, huyện kiểm tra phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y 4.748 lượt cơ sở. Qua đó, tiêu hủy 444 con lợn, 5.595 con gà, 118kg thịt trâu, bò, 2.529kg thịt lợn, 73kg thịt gia cầm, 20 con gia cầm đã giết mổ và 10kg thực phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc hết hạn sử dụng...
Chi cục kiểm tra đột xuất 25 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, truy xuất nguồn gốc ở 3 cơ sở, qua đó, phát hiện 1 mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn tối đa cho phép.
Theo ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở cho thấy, công tác vệ sinh kho chưa bảo đảm, nhân viên trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm sử dụng bảo hộ lao động chưa đầy đủ, không có chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục quy định về an toàn thực phẩm...
Bên cạnh đó, mặc dù Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng tại cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản, song tình trạng vi phạm còn nhiều.
Nguyên nhân chủ yếu do triển khai quy hoạch giết mổ trên địa bàn thành phố còn khó khăn, tồn tại nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư chưa bảo đảm về môi trường, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, phân phối qua nhiều khâu trung gian; nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, trình độ quản lý thấp, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn...
Ngoài ra, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn, sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa quyết liệt, việc xử lý những vi phạm ở tuyến xã, thị trấn mới chỉ dừng ở nhắc nhở, chưa tập trung vào cơ sở có nguy cơ mất an toàn.
Một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm, chưa có trách nhiệm đúng đắn trong phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay những cơ sở thực phẩm vi phạm; chưa quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ; ngại sử dụng thịt mát, thịt cấp đông...
Tất cả hạn chế nêu trên có tác động không nhỏ đến cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Tăng cường kiểm tra, hậu kiểm
Để nâng cao ý thức cho người sản xuất - kinh doanh nông, lâm thủy sản, thời gian tới, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh việc kiểm tra, hậu kiểm việc tự công bố các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của doanh nghiệp; tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao; lồng ghép với công tác kiểm tra, lấy mẫu giám sát và việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất; thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng những sản phẩm vi phạm để người tiêu dùng biết, đồng thời, xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục thanh tra đột xuất cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm nhỏ lẻ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Công an thành phố Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường...) nhằm phát hiện, thanh tra đột xuất, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu; các cơ sở sản xuất, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi ngoài danh mục được phép sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
"Để tạo hiệu quả trong công tác quản lý và nhận diện sản phẩm an toàn, các bộ, ngành cần tham mưu, đề xuất giải pháp chuyển đổi toàn diện phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Tổ chức, cá nhân tự công bố về điều kiện sản xuất kinh doanh, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm (thay cho việc kiểm tra chứng nhận ban đầu và ký cam kết) cần đáp ứng đủ các điều kiện, quy chuẩn, quy trình sản xuất; có lộ trình bắt buộc áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến ( HACCP, ISO 22000...); bãi bỏ việc cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh; chuyển dần từ phương pháp quản lý hành chính công sang cung cấp dịch vụ hành chính công, dịch vụ công, xã hội hóa theo xu hướng nhu cầu thị trường; tạo cơ chế có sự tham gia, giám sát của người dân nhằm cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng xử lý vi phạm" - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đề nghị QUỲNH DUNG