0908.326.779 - 0906.362.707
 

Thủ tục kinh doanh nhà hàng và đăng ký bảo hộ tên nhà hàng

30/12/2016    4.39/5 trong 9 lượt 
Tôi có ý định mở nhà hàng và sau phát triển thành chuỗi nhà hàng. Vậy lúc đầu tôi chỉ cần đăng ký kinh doanh hộ cá thể, rồi khi nào phát triển mới cần mở công ty có được không? Tên nhà hàng của tôi có được bảo hộ không?
Về vấn đề bạn hỏi, bạn muốn mở nhà hàng, sau đó nếu thuận lợi sẽ phát triển thành chuỗi nhà hàng, nhưng đầu tiên bạn muốn kinh doanh dưới hình thức kinh doanh hộ cá thể, sau muốn phát triển thành chuỗi nhà hàng bạn mới chuyển sang loại hình công ty có được hay không.
 
Trước hết, chúng tôi xin lưu ý bạn một số vấn đề sau:
 
Về hộ kinh doanh cá thể: Theo quy định tại Điều 52 Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì để đăng ký hộ kinh doanh: cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
 
Một số điểm đặc thù của loại hình này:
 
1. Hộ kinh doanh cá thể chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá mười lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.
 
2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương. Mức thu nhập thấp được quy định không được vượt quá mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.
 
3. Hộ kinh doanh có sử dụng thường xuyên hơn mười lao động phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp.
 
Các hình thức doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh.
 
Do bạn không nêu rõ thông tin về quy mô, số lao động bạn dự định sử dụng khi kinh doanh, nên chúng tôi chia thành hai trường hợp. Nếu nhà hàng của bạn sử dụng thường xuyên hơn 10 lao động thì bạn phải đăng ký kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp, nếu sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động thì bạn có thể kinh doanh dưới hình thức kinh doanh hộ cá thể. Sau đó khi cần bạn có thể chuyển sang loại hình công ty.
 
Thứ hai, việc tên nhà hàng của bạn có thể được bảo hộ hay không.

Để xét xem tên nhà hàng của bạn có được bảo hộ hay không cần căn cứ vào quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Cụ thể, điều kiện chung đối với tên thương mại được bảo hộ được quy định tại Điều 76 như sau:
 
“Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.”
 
Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, quyền sở hữu công nghiệp đối với tên công ty (tên thương mại) được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.
 
Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh, không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
 
Như vậy, nếu tên thương mại (tên nhà hàng của bạn) đã được chủ thể khác sử dụng trước trong cùng một lĩnh vực và khu vực kinh doanh với nhà hàng của bạn thì nhà hàng của bạn không được phép sử dụng tên thương mại đó.
 
Theo Nghị định Chính phủ số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006, quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực (lãnh thổ) và lĩnh vực kinh doanh mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký.
 
Bạn có thể đăng ký bảo hộ độc quyền đối với tên viết tắt cho nhà hàng của bạn dưới dạng nhãn hiệu hàng hóa nếu tên viết tắt đó thỏa mãn các điều kiện sau:
 
– Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
 
– Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
 
Cơ quan thụ lý hồ sơ đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu hàng hóa là Cục Sở hữu Trí tuệ (trụ sở tại 368 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) hoặc các văn phòng.
 
Để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, bạn phải chuẩn bị một số giấy tờ như Tờ khai (theo mẫu), mẫu nhãn hiệu cần đăng ký, phân nhóm hàng hóa dịch vụ dự định mang nhãn hiệu, v.v..
 
Bạn có thể trực tiếp tiến hành các thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu Trí tuệ hoặc các Văn phòng của Cục Sở hữu Trí tuệ tại nơi gần nhất hoặc ủy quyền cho các tổ chức đại diện Sở hữu Công nghiệp tiến hành công việc này
ATV Media