Pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam luôn thừa nhận và bảo vệ các quyền của các chủ thể đối với sản phẩm trí tuệ do họ sáng tạo ra. Nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của tác giả và chủ sở hữu tác phẩm, Pháp luật sở hữu trí tuệ quy định về thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm của họ
Thế nào là thời hạn bảo hộ quyền tác giả?
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả là khoảng thời gian do pháp luật quy định, trong đó các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người thừa kế quyền tác giả được Nhà nước bảo hộ.
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả theo quy định của pháp luật
Bảo hộ vô thời hạn:
Quyền tác giả được bảo hộ vô thời hạn được áp dụng đối với quyền nhân thân gắn liền với tác giả không thể chuyển dịch, bao gồm: quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố và sử dụng; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kì hình thức nào gây phương hại đến uy tín, danh sự của tác giả;
Bảo hộ có thời hạn:
Quyền tác giả bảo hộ có thời hạn được áp dụng đối với quyền nhân thân gắn liền với tác giả có thể chuyển dịch (quyền công bố hoặc cho người khác công bố về tác phẩm); và quyền tài sản của tác phẩm. Cụ thể:
+ Đối với các tác phẩm điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh thì thời hạn bảo hộ là 50 năm kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên.
+ Đối với các tác phẩm di cảo (tác phẩm được phát hiện sau khi tác giả của tác phẩm đã chết) thì thời hạn bảo hộ là 50 năm kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên.
+ Đối với các tác phẩm thuộc loại hình khác thì thời hạn bảo hộ là suốt đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết.
Căn cứ pháp lý: Điều 27 Luật sở hữu trí tuệ 2005; Khoản 8 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ 2009 sửa đổi bổ sung Luật sở hữu trí tuệ 2005; Điều 26 Nghị định 100/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan