0908.326.779 - 0906.362.707
 

Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu

30/11/2016    4.6/5 trong 5 lượt 
Nhãn hiệu và thương hiệu là hai cụm từ được nhắc đến rất nhiều khi nói về tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Vậy nhãn hiệu và thương hiệu có phải là một?
Nhãn hiệu (Trade mark) được sử dụng rộng rãi từ lâu đời trên thế giới và tại Việt Nam. Theo quy định tại Khoản 16 Điều  4 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”
Thương hiệu (brand) là thuật ngữ mới được sử dụng rộng rãi ở nước ta trong thời gian gần đây khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập. Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): Thương hiệu là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một số sản phẩm hàng hóa hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức.
Theo hiệp hội Marketing Hoa Kỳ, thương hiệu là “một cái tên, từ ngữ, ký hiệu, biểu tượng hoặc hình vẽ kiểu thiết kế… hoặc tập hợp của các yếu tố trên nhằm xác định và phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một người bán hoặc nhóm người bán với hàng hóa và dịch vụ của các đối thủ cạnh tranh”.
Sự khác biệt đầu tiên là trên phương diện pháp lý, Luật SHTT Việt Nam chưa có định nghĩa về thương hiệu mà chỉ đưa ra định nghĩa về nhãn hiệu, do đó chỉ có nhãn hiệu mới là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, việc bảo bộ nhãn hiệu thường phức tạp hơn và đòi hỏi các biện pháp tổng hợp.
Thứ hai, thương hiệu được hiểu là một dạng tài sản phi vật chất (hữu hình và vô hình) có thể cảm nhận được bằng thị giác như hình vẽ, biểu tượng (hình bông sen của Vietnam Airlines), màu sắc (màu xanh của Nokia, đỏ của Coca-Cola, hay kiểu dáng thiết kế, bao bì (kiểu chai bia Henniken) và các yếu tố nhận biết (bằng mắt) khác.
Thứ ba, một nhà sản xuất thường được đặc trưng bởi một thương hiệu, nhưng có thể có nhiều nhãn hiệu hàng hóa khác nhau. Ví dụ: Toyota là một thương hiệu, nhưng đi kèm theo có rất nhiều nhãn hiệu hàng hóa như Innova, Camry... hay thương hiệu Honda có những nhãn hiệu Dream, Air Blade, Vision… Trong nhiều trường hợp khác, một thương hiệu có thể chính là một nhãn hiệu hoặc một chỉ dẫn địa lý hoặc tên thương mại của một Công ty. Tuy nhiên, các đối tượng đó thường phải được biết đến rộng rãi hoặc phải đạt được một uy tín nhất định trên thị trường.
Về thời gian, thương hiệu tồn tại lâu hơn nhãn hiệu. Có những thương hiệu nổi tiếng mãi theo thời gian nhưng nhãn hiệu thì thay đổi theo các yếu tố tác động bên ngoài nhất định như thị hiếu người tiêu dùng và theo thời hạn bảo hộ mà pháp luật quy định.
Nhãn hiệu và thương hiệu về lý thuyết đều có thể định giá nhằm mục đích xác định tài sản, góp vốn hay chuyển nhượng, chuyển giao quyền. Tuy vậy, do bản chất chúng không hoàn toàn giống nhau nên cách đánh giá phải phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
ATV Media