0908.326.779 - 0906.362.707
 

Quyền tác giả là gì?

30/11/2016    4.6/5 trong 5 lượt 
Quyền tác giả là phạm vi những quyền mà pháp luật thừa nhận và bảo hộ đối với các tác giả có tác phẩm

Thế nào là quyền tác giả?

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

Từ quy định trên có thể hiểu quyền tác giả được hiểu là quan hệ pháp luật dân sự, thể hiện mối quan hệ xã hội giữa tác giả, chủ thể sở hữu quyền tác giả đối với các chủ thể khác trong xã hội thông qua tác phẩm dưới sự tác động của các quy phạm pháp luật, và mối quan hệ xã hội giữa tác giả, chủ thể sở hữu quyền tác giả với chủ thể khác được xác định. 

 

Đặc điểm của quyền tác giả:

Thứ nhất, đối tượng của quyền tác giả luôn mang tính sáng tạo, được bảo hộ không phụ thuộc vào giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật. Tác phẩm là thành quả lao động sáng tạo trực tiếp của tác giả dưới hình thức nhất định. Pháp luật về quyền tác giả không bảo hộ hình thức thể hiện dưới dạng nào đó mà không  phản ánh hay không chứa đựng nội dung nhất định. Tuy nhiên những nội dung thể hiện trong tác phẩm đi ngược lại lợi ích của dân tộc, bôi nhọ vĩ nhân, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác có nội dung trái pháp luật v..v sẽ không được bảo hộ.

Thứ hai, quyền tác giả thiên về việc bảo hộ hình thức thể hiện tác phẩm. Những ý tưởng, cách sắp xếp, trình bày đã được tác giả suy nghĩ nhưng chưa được thể hiện ra bên ngoài thì không có căn cứ công nhận và bảo hộ những điều chưa được bộc lộ ra bên ngoài đó. Sự sáng tạo của tác giả không chỉ đem lại cho tác giả quyền tác giả đối với tác phẩm mà còn chống lại sự sao chép nó hoặc lấy và sử dụng hình thức trong tác phẩm gốc đã được thực hiện.

Thứ ba, hình thức xác lập quyền theo cơ chế bảo hộ tự động. Cơ chế bảo hộ tự động ở đây được hiểu là từ thời điểm tạo ra tác phẩm, quyền tác giả phát sinh một cách mặc nhiên và được thiết lập ngay sau khi tác phẩm được thể hiện một cách khách quan mà người khác có thể nhận biết được. Việc đăng ký quyền tác giả không là căn cứ làm phát sinh quyền tác giả, mà chỉ nhằm làm chứng cứ, chứng minh của đương sự khi có tranh chấp về quyền tác giả và một bên khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Thứ tư, quyền tác giả không được bảo hộ một cách tuyệt đối. Đối với các tác phẩm đã được công bố, phổ biến và tác phẩm không bị cấm sao chụp thì cá nhân tổ chức được phép sử dụng tác phẩm của người khác nếu việc sử dụng đó không nhằm mục đích lợi nhuận, kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng khai thác bình thường của tác phẩm, không  xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả, như việc dùng tác phẩm nhằm mục đích tuyên truyền cổ động, phục vụ chính sách kinh tế, văn hóa, chính trị cho người dân vùng sâu vùng xa v..v

Căn cứ pháp lý: Khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009.

ATV Media