Nhiều người khi ra hiệu thuốc chỉ có ý định mua thuốc để điều trị bệnh. Tuy nhiên, giữa cơ man các loại sản phẩm có tên “na ná” nhau, cùng thành phần hoạt chất, vì không đọc kỹ hàm lượng, thay vì mua thuốc, không ít người đã cháy túi "rước về" cả đống thực phẩm chức năng (TPCN) với giá ngất ngưởng
Ra hiệu thuốc, “vớ” ngay thực phẩm chức năng
Mới phát hiện đau và viêm đa dây thần kinh được vài tuần, anh Nguyễn Văn C (45 tuổi, ở Mỹ Đình, Hà Nội) được bác sĩ khuyên nên dùng vitamin 3B (B1, B6, B12) để điều trị bệnh.
Chỉ mới mở lời đặt vấn đề hỏi về vitamin 3B, nhân viên bán thuốc tại một hiệu thuốc ở phố Vạn Phúc (Ba Đình, Hà Nội) đã nhanh nhảu lấy ngay cho anh mấy hộp vitamin 3B, được giới thiệu là nhãn hiệu được các bác sĩ, dược sĩ khuyên dùng, nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, cách thức ghi nhãn, mẫu mã như một hộp thuốc đưa cho người mua với giá 70.000 đồng/hộp 10 vỉ (700 đồng/viên).
Mang hộp thuốc đến bác sĩ điều trị, anh C mới tá hỏa, loại sản phẩm mà anh mua phải là TPCN vitamin 3B, cùng thành phần hoạt chất (B1, B6, B12), nhưng khác hẳn nhau về hàm lượng.
Bác sĩ điều trị của anh C phân tích: Theo quy định, hàm lượng hoạt chất có trong thực phẩm chức năng không quá 3 lần mức nhu cầu hàng ngày của cơ thể, trong khi đó, thuốc lại phải đạt hàm lượng ở mức cao. Ví dụ: Với vitamin B1, một người trưởng thành mỗi ngày cần khoảng 1,3-1,5mg. Do đó, hàm lượng tối đa của B1 trong TPCN không được quá 5mg. Tương tự, hàm lượng tối đa của B6 trong TPCN không được quá 6mg.
Mỗi viên vitamin 3B có chứa các thành phần như: Vitamin B6 (100mg), vitamin B1 (200mg) và vitamin B12 (200mcg). Trong khi đó, loại TPCN vitamin 3B có hàm lượng lần lượt là 1,25mg - 1,25mg - 50mcg, chỉ bằng 1/100 của thuốc 3B, liều dùng 2 viên/ngày chia 2 lần, cùng liều dùng như của thuốc với mục đích dự phòng thiếu vitamin nhóm B.
Như vậy, cùng liều dùng, với hàm lượng thấp như vậy, cộng cơ học khi viên TPCN có đủ hàm lượng như công bố, anh C phải uống gần 100 viên TPCN (70.000 đồng) mới bằng một viên thuốc (chưa đến 2.000 đồng) để có tác dụng điều trị. Nếu tính theo hộp, phải 50 hộp TPCN (loại 10 vỉ) giá khoảng 3,5 triệu đồng mới bằng một hộp thuốc giá chỉ hơn 80.000 đồng (giá bán buôn).
Để xác minh thông tin này, chúng tôi đã tìm mua sản phẩm mà anh C bị nhầm. Thật bất ngờ, câu chuyện diễn ra tương tự. Lấy lý do bố mẹ ở quê dạo này ít ăn, ăn không ngon, lại hay mệt mỏi thần kinh, đã đi khám bác sĩ nhưng muốn mua thêm thuốc cho bố mẹ uống điều trị, chúng tôi đề nghị nhân viên bán thuốc cho xem loại vitamin 3B nào “ổn”. Nhân viên bán hàng tại cửa hàng thuốc T.N (phố Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) giới thiệu ngay loại vitamin 3B TPCN với giá 17.000 đồng/vỉ và cho rằng đây là loại xứng đáng để người con có hiếu “đi biếu bố mẹ”. Đáp lại đề nghị được xem các loại khác, nhân viên này cũng chỉ đưa TPCN ra giới thiệu như thuốc, với các mức giá khác nhau, loại rẻ nhất là 5.000 đồng/vỉ (với hàm lượng vitamin B1, B6 chỉ khoảng 1,6mg) - 10.000 đồng/vỉ (hàm lượng B1, B6 là 4mg). Nhân viên này khẳng định, cứ hàm lượng hoạt chất cao hơn thì giá sẽ cao hơn.
Chúng tôi đề nghị được xem các sản phẩm vitamin C (có dạng thuốc và TPCN), các nhân viên bán hàng “tự động” mời chào nhiều loại TPCN vitamin C, tuyệt nhiên rất hiếm nơi đưa thuốc có chứa hoạt chất vitamin C để giới thiệu.
Một sản phẩm TPCN mang nhãn hiệu Rutin - C bán với giá 73.000 đồng/hộp 6 vỉ - 10 viên nén (một viên giá khoảng 1.200 đồng). Hoạt chất vitamin C trong đó chỉ 20mg. Trong khi đó, một hộp thuốc Rutin - Vitamin C hộp 10 vỉ - 10 viên bao đường có giá chỉ 25.000 đồng (một viên giá 250 đồng), hàm lượng vitamin C là 50mg. Thậm chí, có loại dạng viên thuốc nén khác một hộp chỉ có giá 9.000 đồng. Sau khi được giới thiệu rất nhiều loại TPCN vitamin 3B, chúng tôi đưa đề nghị được xem thuốc, nhân viên tại cửa hàng thuốc T.N tỏ vẻ ngạc nhiên rằng không có thuốc vitamin 3B, mà chỉ có một loại thuốc giá khoảng 19.000 đồng/vỉ hộp 5 vỉ, nhưng cũng không nên uống loại này vì có bao đường, sẽ làm tăng lượng đường trong máu.
Lợi nhuận “khủng”
Một trường hợp khác cũng “mắc bẫy” mua phải TPCN là anh Âu Xuân L (ở Long Biên, Hà Nội). Tuần vừa rồi, vì thức khuya, lại uống nhiều đá, anh cảm thấy khó chịu cổ họng, húng hắng ho nên ra mua viên thuốc ngậm ho. Khi trình bày triệu chứng với nhân viên bán thuốc, anh được tư vấn mua ngay loại viên ngậm ho Zeca… với giá 63.000 đồng/hộp 36 viên, với lời khẳng định: “Uống rất tốt, giảm ho nhanh”. Tin lời người này, lại đọc qua hướng dẫn, anh cũng thấy ghi “giúp bổ phế, giảm ho” nên tự tin mang về. Hoá ra, sản phẩm anh mua về là TPCN.
“Mua trong nhà thuốc, được nhân viên bán thuốc tư vấn, công dụng được giới thiệu đúng với mục tiêu điều trị triệu chứng mình mắc phải, thì mua nhầm TPCN là… đúng thôi! Vấn đề là không biết ngậm bao nhiêu hộp thì mới lành bệnh đây?”, anh Âu Xuân L giãi bày.
Theo nhân viên bán hàng tại cửa hàng thuốc T.N, TPCN thì có thể uống liên tục, thường xuyên, uống nhiều mà không cần phải có đơn như thuốc. “Thuốc chỉ có 1-2 thành phần còn TPCN cùng thành phần đó nhưng có thể thêm nhiều loại khác nữa uống dễ hơn, hỗ trợ điều trị được nhiều hơn”, nhân viên này nói. Hơn nữa, nhiều nhân viên nhà thuốc luôn tiếp thị: Dùng TPCN thì không gặp biến chứng, không hạn chế liều dùng. Trong khi thuốc phải dùng theo đợt, lại có nguy cơ biến chứng, tai biến. Đó phải chăng là lý do nhân viên bán thuốc tại các cửa hàng ra sức tư vấn khách hàng "mua TPCN cho lành” (?!).
Trong vai một người sắp mở cửa hàng thuốc ở quê, chúng tôi tới “chợ thuốc” Hapulico (Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) - nơi cung cấp giá bán buôn thuốc, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế lớn nhất Hà Nội để tìm mua đúng loại TPCN vitamin 3B như anh C đã nhờ người nhà mua. Nhân viên quầy thuốc của Công ty TNHH N.D cho biết, giá bán buôn của loại này chỉ 35.000 đồng/hộp, viên dạng nhộng, loại hàng này đang bán rất tốt vì đây là dạng phổ thông. Trong khi ở các cửa hàng thuốc bán lẻ, mỗi vỉ này bán giá 7.000 đồng, một hộp có giá 70.000 đồng - gấp đôi giá bán buôn. Ngoài ra, nhân viên công ty này cũng giới thiệu rất nhiều loại 3B của các công ty dược trong và ngoài nước, có loại đắt nhập ngoại tới 80.000 - 90.000 đồng/hộp, được bán lẻ với giá đắt gấp nhiều lần.
Đối với viên ngậm ho mà anh L trên đây mua, giá phân phối từ Công ty cổ phần y tế B.V là 47.000 đồng, được bán lẻ là 63.000 đồng/hộp. Trong khi đó, với thuốc vitamin 3B hay vitamin C, mức giá chênh không đáng kể. Thuốc Neurobion (3B) giá bán buôn khoảng 83.000 đồng/hộp, được bán lẻ ra cũng chỉ chênh mức này vài nghìn đồng.
Cùng sản phẩm mỗi nơi “chém” một cách
Lý giải điều này, lãnh đạo một công ty dược phẩm chia sẻ, đó là bởi hiện nay Luật Dược quy định thuốc phải được quản lý giá rất chặt chẽ, ràng buộc bởi nhiều quy định, thông qua quy định về kê khai, kê khai lại và công bố công khai từ khâu đăng ký lưu hành, nhập khẩu và đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện; các cơ sở bán lẻ phải thực hiện niêm yết giá và không được bán cao hơn giá niêm yết.
Còn với TPCN, không khống chế giá trần nên cảnh “loạn giá” không phải là chuyện quá mới. Cùng sản phẩm nhưng mỗi nơi bán một giá khác nhau, chênh nhau có thể lên tới vài trăm nghìn đồng/1 sản phẩm. Hiện mức chiết khấu cho việc phân phối sản phẩm TPCN quá cao (có nơi mức chiết khấu ở mức 30-40% trên từng sản phẩm) khiến giá bán bị thổi lên gấp nhiều lần. Đó còn chưa kể các chi phí quảng cáo, tổ chức sự kiện, chiêu PR... nên khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng thường có mức giá "trên giời".
Một chuyên gia nghiên cứu về TPCN (đề nghị không nêu tên) cho biết, chỉ có doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, nhập khẩu mới biết được giá trị thực của mặt hàng mình đang kinh doanh. Làm thế nào để người dân không mua nhầm và nhà thuốc không lợi dụng sự nhầm lẫn của người tiêu dùng để bán TPCN thay thuốc điều trị là câu hỏi để ngỏ?
Một trong những TPCN loạn giá nhất là các sản phẩm chiết xuất từ nhau thai cừu. Sản phẩm nhau thai cừu Bi... giá bán trên thị trường ở mức 900.000 đồng, trong khi giá nhập khẩu là 2,7 đô la Úc (hơn 50.000 đồng). Sản phẩm nhau thai cừu Gol... rao bán với giá từ 1,3-1,5 triệu đồng/lọ và giá nhập khẩu là 15,81 USD (khoảng 340.000 đồng), gấp 5-6 lần. Nhau thai cừu Sheep P... giá bán trên thị trường là 700.000- 800.000 đồng/lọ, trong khi đó giá khai báo hải quan là 8 đô la Úc (khoảng 120.000 đồng). Sản phẩm TPCN giảm cân Om... (có chứa Vitamin) do Hoa Kỳ sản xuất được bán trên thị trường với giá 250.000 - 300.000 đồng, trong khi đó giá nhập khẩu là 1,56 USD (khoảng hơn 20.000 đồng), gấp hơn 10 lần. Sản phẩm liên quan đến hỗ trợ trí nhớ cũng đang được nhiều người tiêu dùng quan tâm và tìm kiếm, kéo theo đó, sản phẩm này cũng được nhiều nhà thuốc hét giá lên rất cao.