0908.326.779 - 0906.362.707
 

Đa số hộ kinh doanh ngại chuyển thành doanh nghiệp

14/04/2017    4.6/5 trong 5 lượt 
Đa số hộ kinh doanh ngại chuyển thành doanh nghiệp
Nhiều hộ kinh doanh rất “ngại" chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp do sợ phải thực hiện khai thuế, hay phải thường xuyên đụng chạm đến nhiều loại thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.

Không mặn mà khi thành doanh nghiệp

Theo mục tiêu mà TP.HCM đặt ra, năm 2017, thành phố sẽ có thêm 60.000 doanh nghiệp mới và đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp.

 
 
 

Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Trần Thị Bình Minh cho biết để đạt được con số trên, TP.HCM xác định 2 nguồn chính là chuyển đổi các hộ kinh doanh sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp và số lượng các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hằng năm.

Về việc khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Lê Duy Minh nói rằng trong dữ liệu thống kê của Cục Thuế, TP có hơn 36.000 hộ kinh doanh cá thể có thể phát triển thành doanh nghiệp.

Riêng năm 2017, TP có khoảng 21.000 hộ kinh doanh được Cục Thuế đánh giá là đối tượng tiềm năng mà cơ quan quản lý có thể vận động, hỗ trợ phát triển lên doanh nghiệp. Đây là những hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng ở nhiều quận trung tâm và một số hộ kinh doanh thuộc các quận vùng ven với doanh thu khoảng 50 triệu đồng/tháng. Dự kiến đến năm 2020, TP.HCM có ít nhất 100.000 hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.

Chủ trương vận động hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp được nhiều người đánh giá là chủ trương đúng của TP. Tuy nhiên, trên thực tế, việc vận động hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn và nhiều người vẫn không mặn mà với việc chuyển đổi này.

Theo đại diện một số quận huyện, nhiều hộ kinh doanh rất ngại chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp do sợ phải thực hiện khai thuế cũng như phải bổ sung nhân lực, xây dựng hệ thống quản trị, hồ sơ kế toán. Việc này sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí, gây đảo lộn hoạt động sản xuất kinh doanh hiện có. Mặt khác, nhiều hộ kinh doanh lo sợ khi phải thường xuyên đụng chạm đến nhiều loại thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.

Sợ thủ tục rườm rà, phức tạp

Tại quận 1, theo kế hoạch, năm 2017 địa phương này sẽ phấn đấu chuyển đổi 1.000 hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Qua khảo sát của Chi cục Thuế, quận 1 có 1.000 hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên, trong đó có 421 hộ mức thuế đóng trên 100 triệu đồng/năm với các ngành nghề như ăn uống, thương mại (mua bán máy vi tính, rượu bia, điện thoại…), dịch vụ.

Phòng Kinh tế quận 1 đã đưa danh sách này cho 10 phường, Ban quản lý chợ Bến Thành, chợ Dân Sinh để tuyên truyền vận động chuyển đổi hình thức kinh doanh. Qua điều tra, thu thập thông tin, hiện tại quận 1 có 500 hộ kinh doanh ngành nghề ăn uống, khách sạn, may mặc, cắt tóc… có thể chuyển đổi.

Từ tháng 10.2016, UBND quận 1 đã làm đầu mối tiếp nhận và trả kết quả cho hộ kinh doanh đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có 8 hộ kinh doanh chuyển sang loại hình doanh nghiệp đăng ký tại địa phương này. Chi cục Thuế quận 1 cũng chỉ vận động được 10 trường hợp.

Qua tiếp xúc với một số hộ kinh doanh, nhà chức trách quận 1 cho rằng đa số hộ kinh doanh hoạt động nhỏ lẻ, tự phát, truyền thống gia đình nên họ không có khuynh hướng mở rộng quy mô để chuyển sang doanh nghiệp nhằm tránh thủ tục rườm rà, phức tạp. Đối với một số ngành nghề như mua bán hàng hóa nhập khẩu không lấy được hóa đơn đầu vào nên việc chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chưa kể, việc sử dụng hóa đơn đầu vào, đầu ra, trả khoản chi phí để thuê cá nhân thực hiện công việc liên quan đến kế toán, quyết toán thuế khi chuyển sang doanh nghiệp cũng khiến nhiều hộ kinh doanh e ngại.

Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện khi chuyển sang hoạt động doanh nghiệp đều phải chuyển đổi giấy phép kinh doanh có điều kiện như giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đạt xếp hạng sao của khách sạn, giấy chứng nhận bán lẻ rượu, thuốc lá… nhưng thủ tục xin các loại giấy phép này phức tạp cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi.

Trong khi đó, đại diện quận 12 cũng cho rằng khi thành lập doanh nghiệp phải có hệ thống sổ kế toán và nhân viên kế toán thực hiện báo cáo thuế làm phát sinh chi phí nhiều hơn so với hoạt động dưới hộ kinh doanh. Mặt khác, Nhà nước chưa có cơ chế chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ hộ kinh doanh nên chưa khuyến khích được tính tự nguyện của nhiều người.

Hiện tại, quận 12 có 16.802 hộ kinh doanh nhưng quy mô nhỏ lẻ, sử dụng ít lao động. Việc vận động hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.

Còn tại quận 7, qua rà soát thì có khoảng 680 hộ có thể đưa vào danh sách chuyển đổi thành doanh nghiệp giai đoạn 2017 - 2020. Thế nhưng, đa số hộ kinh doanh tại quận này có quy mô nhỏ, sử dụng lao động ít, ngành dịch vụ có số lượng kinh doanh nhiều nhưng chỉ tập trung trong hoạt động cho thuê nhà nên đa số đều không muốn chuyển thành doanh nghiệp.  

Phan Diệu